Ông Nguyễn Văn Hào (quận 3, TP HCM) xuất viện vào ngày 6/3 sau gần một tháng điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, sức khỏe ổn định, động mạch vành được tái thông và cần theo dõi định kỳ.
Trước đó, ngày 8/2, ông có biểu hiện mệt, khó thở từng cơn tăng dần, được cấp cứu ở một bệnh viện gần nhà. Bác sĩ chẩn đoán phù phổi cấp. Đến khuya, ông khó thở nhiều nên được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh.
BS.CKI Hoàng Thị Bình (Phó khoa Nội tim mạch) cho biết, tại thời điểm nhập viện, huyết áp của ông tụt thấp hơn một nửa bình thường, chỉ còn 60/40 mmHg. Khi bác sĩ đang cấp cứu, chẩn đoán thì bệnh nhân bất ngờ ngưng tim, ngưng thở. Êkip tiến hành hồi sức tích cực bằng sốc điện, xoa bóp tim ngoài lồng ngực, đặt nội khí quản thở máy, truyền vận mạch. Sau 15-20 phút, ông Hào bắt đầu có mạch, huyết áp, nhịp thở trở lại, tạm ổn định.
Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp (đột quỵ tim), chức năng bơm máu của tim giảm còn 20%. Bệnh diễn tiến rất nặng, nguy cơ tử vong 90-95% nếu không kịp can thiệp.
TS.BS Nguyễn Anh Dũng (Trưởng khoa Phẫu thuật Tim mạch - Lồng ngực) cho biết, bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp, đái tháo đường nhiều năm; hình chụp mạch vành cho thấy ba nhánh mạch máu chính nuôi tim hẹp khít, vôi hóa nặng. Trường hợp này khó đặt stent, bệnh nhân có thể ngừng tim, tử vong trong khi thực hiện. Các bác sĩ quyết định phẫu thuật bắc cầu mạch vành, giúp tái thông dòng máu nuôi tim cho bệnh nhân.
"Với trường hợp nhồi máu cơ tim dẫn đến ngưng tim, bất kỳ một tác động y khoa nào cũng có thể khiến người bệnh đối diện nguy cơ tử vong. Do đó, suốt quá trình phẫu thuật, cả êkip đều thận trọng trong từng thao tác, sẵn sàng phương án chạy hồi sức tim phổi (ECMO) nếu bệnh nhân bất ngờ ngưng tim", bác sĩ Dũng nói.
Dưới sự hỗ trợ của hệ thống tim phổi nhân tạo, ca phẫu thuật được thực hiện thành công, dòng máu đến các động mạch được khôi phục. Bệnh nhân tiếp tục được điều trị tích cực sau mổ để ổn định sức khỏe.
Nhồi máu cơ tim cấp xảy ra khi một hoặc nhiều động mạch vành bị tắc nghẽn khiến dòng máu đến cơ tim bị tắc đột ngột, dẫn đến hoại tử mô cơ tim. Theo bác sĩ Nguyễn Anh Dũng, hai phương pháp điều trị nhồi máu cơ tim cấp phổ biến nhất là đặt stent và phẫu thuật bắc cầu động mạch vành. Thông thường, đặt stent được áp dụng cho bệnh nhân hẹp một, hai nhánh mạch vành hoặc tổn thương không quá phức tạp, nguy cơ cao khi phẫu thuật... Trong khi đó, nếu bị tổn thương lan tỏa phức tạp kèm theo nhiều bệnh nền hoặc tái hẹp nhiều vị trí sau đặt stent, bác sĩ sẽ chọn phẫu thuật bắc cầu.
Bệnh nhân cần đến bệnh viện ngay khi có biểu hiện: đau ép ở ngực (có thể lan lên cổ, hàm, sau lưng, kéo dài trên 15 phút); khó thở, vã mồ hôi, mệt mỏi, chóng mặt; buồn nôn, khó tiêu, đau vùng thượng vị... để được can thiệp kịp thời.
Thu Hà
* Tên bệnh nhân đã được thay đổi.