"Bệnh này thường là kết quả của sự tắc nghẽn của hệ thống mạch vành", bác sĩ Lê Thanh Mai, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 nói và giải thích thêm động mạch vành lấy máu giàu oxy đến nuôi cơ tim. Khi hệ thống động mạch này bị hẹp hoặc tắc bởi sự hình thành mảng bám hay huyết khối, dòng máu đến tim giảm đáng kể hoặc mất hoàn toàn dẫn đến nhồi máu cơ tim.
Sự tắc nghẽn có thể do sự hình thành mảng xơ vữa tại chỗ với thành phần chủ yếu là chất béo, cholesterol và sản phẩm thải của tế bào hoặc do huyết khối từ nơi khác đến làm giảm đột ngột dòng máu đến tim.
Theo bác sĩ Mai, yếu tố chính thúc đẩy quá trình tạo mảng xơ vữa là chất béo trong máu. Ăn nhiều thực phẩm chiên rán và chế biến sẵn, thịt, thực phẩm hàng ngày chứa nhiều chất béo không có lợi và chất béo chuyển hóa bão hòa gây nguy cơ cao.
Béo phì có thể tăng nguy cơ này. Theo một nghiên cứu, nếu thay 2% năng lượng tiêu thụ từ tinh bột thành chất béo chuyển hóa có thể gấp đôi nguy cơ cho tim mạch. Thêm vào đó, máu cũng chứa một loại chất béo là triglycerides, nó dự trữ năng lượng dư thừa từ thức ăn. Nồng độ triglycerides cao làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch. Nồng độ LDL cholesterol cao cũng làm tăng nguy cơ các biến cố tim mạch, bởi vì LDL cholesterol có thể bám vào thành mạch máu hình thành mảng xơ vữa cản trở dòng máu động mạch.
"Muốn giảm cholesterol máu và những chất béo không có lợi trong cơ thể thông thường cần chế độ ăn cân bằng ít thực phẩm đã qua chế biến và sử dụng thuốc giảm mỡ máu nếu cần", bác sĩ Mai nói.
Ngoài ra, các yếu tố nguy cơ khác gây nhồi máu cơ tim cấp như huyết áp cao, đường máu cao, hút thuốc lá, tuổi cao, stress, ít hoạt động thể lực, tiền sản giật, thuốc... Nam thường có nguy cơ mắc cao hơn nữ và ở độ tuổi sớm hơn. Đặc biệt là tiền sử gia đình, nếu gia đình bạn có người xuất hiện bệnh tim mạch sớm trước 55 tuổi với nam và 65 tuổi với nữ, bạn có nguy cơ cao hơn.
Triệu chứng nhồi máu cơ tim cấp rất đa dạng, điển hình là đau ngực và khó thở. Các triệu chứng bao gồm: Cảm giác nặng ngực hoặc thắt bóp trong tim; đau vùng ngực lan ra sau lưng, lên hàm hoặc cánh tay trái, kéo dài hơn vài phút hoặc có thể hết sau đó tái phát; khó thở; vã mồ hôi; buồn nôn và nôn; hồi hộp, cảm giác ngột thở; nhịp tim nhanh; mệt mỏi
Theo bác sĩ Mai, các bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim thường có biểu hiện rất khác nhau về triệu chứng và mức độ. Đau ngực là triệu chứng điển hình và phổ biến nhất ở cả hai giới. Tuy nhiên triệu chứng ở phụ nữ ít điển hình hơn nam giới, có thể khó thở, đau hàm, đau vùng lưng, choáng váng, buồn nôn và nôn. Thậm chí, một số phụ nữ bị nhồi máu cơ tim nhưng triệu chứng giống như nhiễm cúm.
Bác sĩ Mai cho rằng có nhiều cách để dự phòng nhồi máu cơ tim cấp, trong đó bao gồm thay đổi ăn uống và lối sống. Bữa ăn nên chứa chủ yếu ngũ cốc nguyên hạt, rau củ, hoa quả, protein nạc. Giảm các thực phẩm chứa đường, đồ đã qua chế biến. Chế độ ăn đặc biệt quan trọng với bệnh nhân đái tháo đường, huyết áp cao, mỡ máu cao.
"Tập thể dục vài lần mỗi tuần có thể cải thiện hệ tuần hoàn. Nếu bạn mới bị nhồi máu cơ tim cấp, nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi bắt đầu tập thể dục", bác sĩ Mai khuyên và khuyến cáo ngừng hút thuốc kể cả hút thuốc lá thụ động, giúp giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim cấp và có lợi cho cả hệ tim mạch lẫn hô hấp.