Trả lời:
Cúm là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp do virus lây nhiễm và tấn công vào hệ hô hấp đường mũi, vùng hầu họng, phế quản, phổi. Bệnh thường gặp khi trời lạnh, lây qua dịch tiết đường hô hấp (giọt bắn khi nói chuyện, hắt hơi, ho...) hoặc tiếp xúc với bề mặt nhiễm virus. Triệu chứng bệnh gồm sốt cao 39-41 độ C, kèm rét run, ớn lạnh, đổ mồ hôi, nghẹt mũi, chảy mũi thường xuyên, hắt hơi nhiều, mệt mỏi, ăn uống kém.
Có ba loại virus cúm A, B và C. Trong đó, virus A và B là những tác nhân hàng đầu gây bệnh ở người. Virus cúm C gây bệnh nhẹ ở người, giống cảm lạnh thông thường và không được phát hiện bằng các xét nghiệm cúm.
Viêm mũi họng là tình trạng viêm cấp tính đường hô hấp trên (mũi và vùng hầu họng). Triệu chứng gồm hắt hơi, sổ mũi, ho, đau đầu hoặc mệt mỏi... Bệnh cũng ít khi gây sốt, nếu có thường dưới 39 độ C, không rét run.
Người bệnh viêm mũi họng cấp thường đau đầu và đau họng, hắt hơi ít. Trong khi cúm A thường gây đau đầu, đau người, nhất là vùng thắt lưng, chảy mũi và nghẹt tắc mũi thường xuyên, đau rát mũi, hắt hơi nhiều.
![Bác sĩ Thạch nội soi họng cho một người bệnh. Ảnh minh họa: Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2025/02/15/dsc00697-1739577738-1739577753-7532-1739577875.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=CPACGJsjzcwynlMKx8PCGA)
Bác sĩ Thạch nội soi họng cho một người bệnh. Ảnh minh họa: Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7
Triệu chứng cúm với viêm mũi họng dễ bị nhầm lẫn bởi các triệu chứng ban đầu gần giống nhau. Tuy nhiên, viêm mũi họng thường diễn biến chậm trong khi cúm lại phát triển nhanh, đột ngột. Cúm thường tự hết sau khoảng 4-7 ngày, trừ người có bệnh nền, sức khỏe yếu hoặc bội nhiễm thêm vi khuẩn.
Để chẩn đoán bệnh, bước đầu bác sĩ tìm hiểu và xem xét các triệu chứng, nội soi tai mũi họng, chỉ định xét nghiệm nếu nghi ngờ cúm. Người bệnh được điều trị bằng cách nghỉ ngơi, ăn uống đầy đủ để tăng cường miễn dịch, dùng thuốc giảm đau, dùng thuốc kháng virus. Thuốc kháng sinh không có tác dụng trong điều trị cúm vì không thể tiêu diệt được virus gây bệnh. Với viêm mũi họng cấp, người bệnh có thể phải dùng kháng sinh nếu nguyên nhân gây bệnh do vi khuẩn hoặc virus nhưng xuất hiện bội nhiễm.
Bạn sốt, ho, sổ mũi, nghẹt mũi 5 ngày chưa khỏi nên đến bệnh viện để bác sĩ kiểm tra, không tự uống thuốc khi không có chỉ định. Bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng sẽ khám để tìm nguyên nhân, có phương pháp điều trị cho bạn phù hợp.
BS.CKI Võ Bá Thạch
Đơn vị Tai Mũi Họng
Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tai mũi họng tại đây để bác sĩ giải đáp |