Tôi đang làm việc cho một cơ sở giáo dục của Nhật Bản, tiền lương không cao lắm, nhưng tôi hài lòng vì môi trường làm việc chuyên nghiệp. Cách đây hai năm, có một trường quốc tế tại Việt Nam mời tôi về làm chuyên gia, xây dựng chương trình học, họ trả lương rất cao và mời chào đon đả. Tôi thấy hấp dẫn vì được thay đổi đến một môi trường mới mẻ, nhưng sau khi cân nhắc, tôi chỉ nhận lời làm part-time và vẫn giữ công việc cũ.
Họ ký hợp đồng với tôi trong hai năm và tôi bắt tay vào xây dựng chương trình học. Họ gửi e-mail kiểm tra tiến độ của tôi hàng ngày. Vì đúng chuyên môn của mình nên tôi làm khá nhanh và đạt yêu cầu của họ. Sau nửa năm, tôi xây dựng xong chương trình học và nộp cho họ, cũng là lúc họ gửi cho tôi một e-mail xin lỗi vì không thể hợp tác với tôi được nữa, do không muốn tiếp tục chương trình học mà tôi đã xây dựng. Họ bồi thường cho tôi một tháng lương tiền hủy hợp đồng.
Bản thân tôi được đào tạo bài bản về sư phạm ở nước ngoài nên tôi nghĩ giáo dục trước tiên phải là một cái gì đó rất chuẩn mực và đáng tin cậy. Những người làm về giáo dục cũng nên có những đức tính đấy thì mới mong có tư cách để dạy dỗ được học trò.
Lúc đó, tôi thấy rất sốc và ngỡ ngàng trước cách hành xử của một tổ chức giáo dục lớn như thế. Rất may là tôi vẫn giữ công việc cũ nên cuộc sống không bị ảnh hưởng quá nhiều. Sau trải nghiệm nhớ đời này, tôi thấy thêm gắn bó với công ty hiện tại của mình hơn và không bao giờ ham hố những lời mời lương cao chót vót nữa.
>> Tôi không hối hận vì nhảy việc sáu lần trong mười năm
Nói rõ hơn về quyết định nhận hai công việc một lúc của tôi:
Thứ nhất, việc tôi làm part-time không vi phạm hợp đồng mà tôi đã ký với công ty Nhật, họ không có điều khoản cấm tôi làm ngoài giờ.
Thứ hai, tôi muốn truyền đạt lại những kinh nghiệm của mình để giúp các em học sinh có một chương trình học tốt và mới mẻ hơn. Không phải một lứa học trò mà là nhiều lứa học trò nối tiếp nhau. Giáo dục không phải là sale nên tôi nghĩ không cần giữ bí quyết hay bí mật kinh doanh gì cả, cái gì tốt mà giúp ích cho cộng đồng càng nhiều thì tôi nghĩ mình nên làm.
Thứ ba, nếu tôi có ý định kiếm tiền thì ngay từ đầu tôi đã bỏ công ty cũ để nhảy sang trường quốc tế kia theo lời chào mời rồi chứ không phải làm part-time.
Vậy nên, điều tôi thất vọng nhất là ngay cả một trường quốc tế lớn cũng không tránh khỏi sự chộp giật, khôn lỏi - điều mà các công ty Nhật không bao giờ làm. Họ sẽ dạy gì cho học sinh của mình về lòng trung thực?
Công ty em tôi làm về IT, tuyển nhân viên với mức lương cao chót vót 20-40 triệu đồng cho mỗi vị trí. Tôi nói vui: "Công ty em làm ăn khá thế". Em đáp: "Cũng khó khăn lắm, tuyển lương cao cũng là một hình thức PR cho công ty để mọi người biết đến thôi, chứ lương thực nhận trả như thế thì lấy đâu ra...". Thế nên, nhiều người tự tin quá lại thành liều lĩnh. Tự tin và liều lĩnh chỉ là hai động từ với ranh giới rất mong manh thôi.
Nhiều khi lương cao cũng quan trọng vì nó cũng là một đánh giá năng lực của mỗi người. Nhưng tôi thấy, môi trường làm việc và đồng nghiệp tốt còn quan trọng với tôi hơn nhiều lần, dù lương có thấp hơn một chút. Tôi muốn giá trị của mình được trân trọng chứ không phải là miếng chanh khi bị vắt hết nước. Cuộc sống này, cái gì cũng có giá của nó. Vì thế, tôi khuyên các bạn hãy thận trọng khi nhảy việc và hãy lấy ví dụ của bản thân tôi để tham khảo và cân nhắc.
>> Bạn có đánh giá cao người nhảy việc nhiều? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.