Đưa vợ đi khám sức khỏe định kỳ tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh vào đầu tháng 6 vừa qua, anh Đặng Đình Đông (44 tuổi, Hải Phòng) cũng làm các xét nghiệm sàng lọc cơ bản như xét nghiệm máu, nước tiểu và siêu âm ổ bụng. Anh bất ngờ khi kết quả xét nghiệm cho thấy bị suy thận cấp do chỉ số creatinin và axit uric máu tăng cao bất thường.
Anh Hưng có tiền sử mỡ máu và bệnh gout. Trước đó một tuần, bệnh nhân bị đau cấp do gout nên đã ra hiệu thuốc mua và uống một số loại không theo chỉ định của bác sĩ. Sau uống thuốc, bệnh nhân có giảm đau khớp, không có triệu chứng phù, đi tiểu bình thường.
Tiến sĩ, Bác sĩ Mai Thị Hiền, Phó khoa Tiết niệu - Nam học và Thận học, cho biết người bệnh bị suy thận cấp có thể do tự ý uống thuốc, cũng có thể do tăng axit uric máu vì chế độ dinh dưỡng quá nhiều chất đạm, đồ uống có cồn... Bác sĩ chỉ định dừng các loại thuốc đang uống để loại bỏ yếu tố nguyên nhân do thuốc.
Bệnh nhân nhập viện và được truyền dịch muối kiềm để kiềm hóa nước tiểu, điều chỉnh cân bằng nước và điện giải, sử dụng các loại thuốc giảm axit uric máu. Sau 3 ngày điều trị và theo dõi tích cực, chức năng thận của người bệnh trở về bình thường, hết suy thận cấp và được ra viện.
Tiến sĩ cho biết bệnh thận thường không có triệu chứng, diễn tiến âm thầm. Hầu hết người bệnh được phát hiện tình cờ qua các chỉ số khi xét nghiệm máu, nước tiểu và siêu âm, khi đến khám sức khỏe định kỳ tại các cơ sở y tế.
Suy thận cấp có thể do nhiều nguyên nhân. Tại Việt Nam có một số nguyên nhân thường gặp gây suy thận cấp như sử dụng thuốc không theo chỉ định của bác sĩ, uống thuốc giảm đau kéo dài, sử dụng thuốc giảm cân không rõ nguồn gốc, tự ý uống thuốc lá cây, rễ cây ngâm rượu không rõ nguồn gốc, không biết có tác động gì đến sức khỏe. Bên cạnh đó, việc uống mật cá trắm, mật rắn... cũng là nguyên nhân thường gặp gây suy thận cấp nặng.
Suy thận cấp nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như không tiểu được, phù phổi, suy tim, tăng huyết áp không kiểm soát, rối loạn toan kiềm, tăng kali máu, thậm chí ngưng tim dẫn tới tử vong.
Với những người bị suy thận cấp không được phát hiện và điều trị, thông thường sau 3 tháng, các tổn thương cấp có thể chuyển thành mạn tính không hồi phục, gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và chất lượng sống của người bệnh. Suy thận mạn ở giai đoạn 5, bệnh nhân có thể phải lọc máu, chạy thận.
Tiến sĩ Hiền khuyên, suy thận cấp đôi khi khó dự đoán hoặc ngăn ngừa nhưng có thể giảm nguy cơ bằng cách chăm sóc thận đúng cách. Mọi người nên dùng thuốc khi có bệnh và theo chỉ định của bác sĩ. Thuốc giảm đau như Aspirin, Acetaminophen (Tylenol), Ibuprofen (Advil) và Naproxen sodium (Aleve) tăng nguy cơ tổn thương thận, nhất là người có huyết áp cao, tiểu đường..., khi uống cần theo toa của bác sĩ.
Mọi người nên thiết lập chế độ dinh dưỡng cân bằng, tăng cường rau xanh và trái cây, tránh thực phẩm hại thận như bia rượu, chất kích thích, thực phẩm nhiều đường, muối, chất béo. Nên tăng cường vận động phù hợp với thể trạng giúp nâng cao sức khỏe và tăng sức đề kháng của cơ thể.
Lục Bảo