Hội thận học quốc tế và Hội Thận học quốc gia Mỹ đã chia bệnh suy thận mạn thành 5 giai đoạn dựa trên độ lọc cầu thận (GFR). Ở mỗi giai đoạn, mức độ tổn thương thận khác nhau và tăng dần theo từng cấp độ. Thông thường, suy thận mạn giai đoạn 5 cần lọc máu để loại bỏ nước dư thừa và chất độc trong máu. Tuy nhiên, một số trường hợp đặc biệt có thể có chỉ định lọc máu từ những giai đoạn sớm hơn.
Bác sĩ Hồ Tấn Thông, Trung tâm Tiết niệu - Thận học, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết chế độ dinh dưỡng rất quan trọng để bảo vệ chức năng thận và phòng ngừa những biến chứng nguy hiểm. Chế độ dinh dưỡng phù hợp sẽ làm chậm tiến triển của suy thận, giảm ảnh hưởng lên các cơ quan khác, giảm sự mệt mỏi của bệnh nhân và gia tăng chất lượng sống.
Tùy vào cân nặng cũng như tình trạng bệnh ở mỗi giai đoạn mà có chế độ dinh dưỡng và khẩu phần ăn phù hợp cho người bệnh. Chế độ ăn của người bệnh thận vẫn cần đảm bảo 4 nhóm dưỡng chất quan trọng là bột đường, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất.
Người bị suy thận cần chú ý lượng protein (chất đạm) trong cơ thể không quá nhiều, gây chất thải tích tụ trong máu và thận. Tuy nhiên, lượng protein nạp vào quá thấp có thể gây ra các vấn đề khác. Bên cạnh đó, cần cung cấp đủ vitamin và khoáng chất để bảo vệ tế bào và hỗ trợ sửa chữa các tổn thương, đồng thời cần đảm bảo cân bằng điện giải, nước, ít toan, đủ canxi, ít phosphat.
Nhu cầu năng lượng: Người lớn suy thận giai đoạn 1-5 và người lớn đã lọc máu (bao gồm chạy thận nhân tạo hoặc lọc màng bụng) có nhu cầu năng lượng là 25-35 kcal/kg cân nặng mỗi ngày tùy theo tuổi, giới tính, mức độ hoạt động thể lực, thành phần cơ thể, mục tiêu cân nặng, giai đoạn suy thận mạn và các bệnh đồng mắc hoặc tình trạng bệnh cấp tính đang có để duy trì tình trạng dinh dưỡng ổn định.
Nhu cầu đạm:
Người lớn suy thận mạn giai đoạn 3-5 chưa lọc máu, đang ổn định, cần theo dõi kỹ, hạn chế đạm ăn vào, có thể có hoặc không bổ sung đạm keto (là loại đạm giúp làm giảm nồng độ ure trong máu) để giảm nguy cơ suy thận mạn giai đoạn cuối và cải thiện chất lượng cuộc sống.
Cụ thể như sau: Đạm thấp 0,55-0,6 g/kg cân nặng mỗi ngày; đạm rất thấp 0,28-0,43 g/kg cân nặng mỗi ngày, có bổ sung đạm keto cho đủ nhu cầu protein (0,55-0,6 g/kg mỗi ngày).
Người lớn suy thận mạn giai đoạn 3-5 chưa lọc máu có bệnh đái tháo đường đi kèm, cần theo dõi kỹ và hạn chế đạm 0,6-0,8 g/kg cân nặng mỗi ngày để duy trì dinh dưỡng và tối ưu hóa việc kiểm soát đường huyết.
Người lớn đã lọc máu (gồm chạy thận nhân tạo hoặc lọc màng bụng) đang ổn định, cần 1-1,2 g/kg cân nặng mỗi ngày.
Người lớn đã lọc máu có bệnh đái tháo đường đi kèm, cần 1-1,2 g/kg cân nặng mỗi ngày. Những người bệnh có nguy cơ tăng hoặc hạ đường huyết có thể ăn mức đạm cao hơn nhằm kiểm soát đường huyết.
Người lớn suy thận mạn giai đoạn 1-5, có hoặc chưa lọc máu, hoặc người bệnh hậu ghép thận, hiện chưa đủ bằng chứng để khuyến cáo về loại protein (thực vật hay động vật) có hiệu quả trong việc duy trì tình trạng dinh dưỡng, mức canxi, phospho và bilan lipid máu.
Nhu cầu chất béo: Theo Hội tim mạch Mỹ (AHA), Hội tim mạch châu Âu - Hội xơ vữa động mạch châu Âu (ESC/EAS), lượng chất béo ăn vào nên chiếm khoảng 25-35% nhu cầu năng lượng hàng ngày.
Nhu cầu bột đường: Chiếm 40-60% nhu cầu năng lượng mỗi ngày.
Nhu cầu chất xơ: 21-25 g/ngày.
Nên bổ sung thêm vitamin hòa tan trong nước như vitamin B, C... theo liều nhu cầu, nhất là bệnh nhân có lọc thận nhân tạo.
Nhu cầu nước: Cần đảm bảo đủ nước cần thiết cho cơ thể. Tùy theo mức độ phù và lượng nước tiểu mỗi 24 giờ để uống nước cho phù hợp. Lượng nước uống vào bằng lượng nước tiểu thải ra cộng 500 ml nước.
Ở giai đoạn sớm, người bệnh thận không cần phải hạn chế nước. Khi bệnh nhân có biểu hiện phù nhiều đi tiểu ít thì cần hạn chế nước, hạn chế ăn các món ăn nhiều nước như canh, cháo, súp...
Nhu cầu vitamin và khoáng chất: Người suy thận nên duy trì hàm lượng kali dưới 200 mg mỗi ngày.
Chế độ dinh dưỡng có ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, giúp thận không làm việc quá tải. Trong trường hợp không thể tự mình tính toán khẩu phần ăn, người bệnh nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để được tư vấn theo cá thể hóa, bác sĩ Tấn Thông cho biết thêm.
Quyên Phan