(Bài viết Ý Kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.)
Ở bài viết trước tôi nói về công nghiệp xe hơi với tri thức vật liệu. Bài này, tôi xin nói về cơ cấu của ngành chế tạo xe hơi. Ban đầu, khoảng đầu thế kỷ 20, khi xe hơi được phát minh ra, người ta chỉ có một hãng xe hơi duy nhất chế tạo nguyên chiếc xe "từ a đến z". Nhìn trên hình chụp tư liệu, ta thấy chiếc xe hơi đầu tiên là một chiếc xe ngựa, phía trước gắn động cơ hơi nước thay cho con ngựa, có ống khói nhỏ trông như đầu xe lửa, bốn bánh xe trông giống như của bánh xe đạp nhưng to hơn.
Khoa học phát triển, động cơ đốt trong thay thế động cơ hơi nước. Bánh cao su vành đúc thay cho bánh xe có nan hoa. Linh kiện các loại trên xe ngày càng nhiều hơn. Từ năm 1960-1980 là thời kỳ các quốc gia Âu-Mỹ bắt đầu chuyên môn hóa sản xuất. Hãng xe hơi không còn chế tạo xe "từ a đến z nữa". Băt đầu xuất hiện những hãng chuyên chế tạo động cơ, cabin, khung gầm riêng. Và đương nhiên, có cả hãng chuyên thiết kế mẫu xe riêng. Toyota, Mitsubishi, Honda, GMC, Volvo, Mercedes, BMW... không còn sản xuất ra cả chiếc xe nữa, họ chỉ đảm nhiệm thiết kế mẫu xe. Thiết kế xong, họ đặt hàng cho những hãng chuyên chế tạo linh kiện kia sao cho phù hợp với mẫu xe mà họ thiết kế.
Nếu không tin, bạn có thể rã chiếc xe ra và xem. Bất kỳ linh kiện cơ khí nào cũng có logo thương hiệu riêng (khác hẳn với logo của các thương hiệu bán xe) và số series công nghiệp dập chìm trên linh kiện đó. Số sườn, số máy khi ta đăng ký xe chính là số series công nghiệp của sườn xe, máy xe ấy. Với nhà sản xuất, những con số ấy đơn giản chỉ là sản phẩm thứ bao nhiêu được sản xuất ra kể từ khi hãng đó được thành lập. Với người dùng, những con số ấy chỉ để phân biệt các linh kiện cùng loại vì sản xuất công nghiệp thì "cái nào chẳng giống cái nào".
Hãng chuyên sản xuất động cơ không chỉ chế tạo động cơ xe hơi mà còn chế tạo động cơ cho mọi loại máy móc khác. Tương tự với các hãng chế tạo linh kiện khác. Việc của các thương hiệu xe là đặt hàng để họ làm linh kiện riêng cho mình mà thôi. Đương nhiên, anh phải cung cấp thông số kỹ thuật để họ chế tạo. Những linh kiện này hãng linh kiện chỉ sản xuất riêng cho người đặt hàng đó, không bán đại trà ra thị trường tự do – ta thường gọi là hàng theo xe. Ngoài ra, cũng có những hãng linh kiện chế tạo linh kiện để bán đại trà trên thị trường tự do. Những linh kiện này thường không tốt bằng linh kiện theo xe, chủ yếu được dùng để thay thế khi linh kiện theo xe hết tuổi thọ. Tất nhiên, chẳng hãng xe nào chuyển giao thiết kế của mình, cũng lắm là chỉ chuyển giao khâu lắp ráp. Còn khâu chế tạo là của hãng khác, họ làm sao chuyển giao được?
>> Vì sao công nghiệp ôtô Việt vẫn mãi quanh quẩn làm săm, lốp?
Ngày xưa, chúng tôi học, không có cụm từ nào gọi là "công nghiệp phụ trợ" cả. Nền công nghiệp cơ khí chế tạo được chia thành bốn lĩnh vực lớn: công nghiệp khai khoáng và tinh chế vật liệu thô; công nghiệp luyện kim chế tạo vật liệu gia công; công nghiệp chế tạo linh kiện; công nghiệp thiết kế mẫu sản phẩm - lắp ráp linh kiện ra sản phẩm hoàn chỉnh.
Theo thứ tự, người làm lĩnh vực công nghiệp khai khoáng và tinh chế vật liệu thô chỉ bán hàng cho người làm luyện kim chế tạo vật liệu gia công. Tương tự, người làm luyện kim chế tạo vật liệu gia công chỉ bán cho bên chế tạo linh kiện... Cứ thế nối nhau tạo thành một chuỗi sản xuất. Muốn xây dựng một nền sản xuất công nghiệp thì cần cả bốn lĩnh vực ở trên cùng một lúc, không chỉ chế tạo xe hơi mà còn chế tạo nhiều loại máy móc khác, trong đó quan trọng nhất là chế tạo dây chuyền sản xuất công nghiệp. Cho nên mới nói, công nghiệp chế tạo là tự nó tạo ra nó rồi mới mới đến tạo ra cái khác.
Công nghiệp chế tạo xe hơi chỉ là một nhánh nhỏ của công nghiệp chế tạo nói chung, chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Anh không thể tách cái nhánh này ra rồi chỉ xây dựng riêng nó. Như thế có khác gì xây nhà mà không làm móng. Anh có thể copy mẫu thiết kế xe của nước ngoài, nhưng cũng chỉ là đời công nghệ hiện giờ thôi. 10–15 năm sau, khi người ta chuyển sang đời công nghệ mới hơn thì ta lại phải đập bỏ cái nhà cũ để xây lại từ đầu cái nhà mới hơn sao? Cứ xây rồi đập, đập rồi xây như thế, giàu như Mỹ cũng phải "sập tiệm".
Cụm từ "công nghiệp hóa" không phải là vấn đề đơn giản. Muốn xây dựng được công nghiệp chế tạo thì phải xây dựng nền móng cho nó trước. Đó chính là giáo dục và khoa học. Giáo dục tiến bộ cung cấp nhân lực để nghiên cứu khoa học. Khoa học tiến bộ thì cái gì cũng làm được, công nghiệp chế tạo chỉ là chuyện vặt. Thế nhưng, cứ học để thi, thi xong vứt luôn kiến thức đã học thì đừng nói là công nghiệp chế tạo (ngành này trên thế giới hiện đã lùi sâu về phía sau làm hậu thuẫn cho nhiều ngành kinh tế khác) mà cái gì cũng phải nhập ngoại. Nền kinh tế cũng vì thế hoàn toàn phụ thuộc vào thương mại và luôn trên thế yếu, bị động đối phó tình huống.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.