(Bài viết Ý Kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.)
Đọc bài viết "Công nghiệp ôtô trong nước mới sản xuất được săm, lốp", tôi thấy rất buồn. Công nghiệp phụ trợ không thể phát triển được sau bao nhiêu năm, tại sao như vậy? Phải chăng các nhà đầu tư, các nhà sản xuất ôtô không muốn làm? Hay chúng ta không đủ trình độ làm? Không biết đã bao nhiêu lần chúng ta bàn đến kế sách để phát triển, vậy tại sao nền công nghiệp phụ trợ của Việt Nam vẫn cứ lẹt đẹt? Để rồi chúng ta lại tiếp tục đưa ra những chính sách mà các nhà sản xuất cũng chẳng dám đầu tư... Vậy vấn đề nằm ở đâu?
Trong phạm vi bài viết, tôi chỉ xin đưa ra hai vấn đề:
1. Tham gia chuỗi cung ứng giá trị gia tăng toàn cầu:
Hiện nay, có thể nói, nền sản xuất công nghiệp phụ trợ của các nước trong khu vực như Trung quốc, Thái Lan, Malaysia... quá tốt, đảm bảo chất lượng và đã trở thành khách hàng ruột của các hãng xe lớn. Vậy làm thế nào để có thể tham gia, cạnh tranh với họ khi những chính sách của chúng ta mãi vẫn chưa chạm tới những nhà đầu tư công nghiệp phụ trợ. Muốn làm được như vậy, chính sách phải đủ tốt để vừa không vi phạm các cam kết quốc tế, vừa để các nhà đầu tư có thể xây dựng được những nhà máy đủ lớn, cung cấp ra thị trường những sản phẩm đảm bảo chất lượng và giá cả cạnh tranh để tham gia vào chuỗi cung ứng phụ trợ của các hãng xe lớn.
2. Đối với thị trường nội địa:
Nghe qua có vẻ nói thị trường nội địa hơi nhỏ bé, nhưng tôi cho rằng muốn tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu thì trước tiên chúng ta phải làm rất tốt ở thị trường trong nước. Trong khí đó, thực tế thị trường của chúng ta quá nhỏ bẻ, bởi chúng ta đang thực hiện việc hạn chế xe cá nhân. Đã có rất nhiều thống kê về tỷ lệ xe cá nhân trên 1.000 người dân đối với các nước trong khu vực. Theo một dữ liệu về tỷ lệ sở hữu ôtô trên mỗi 1.000 người của các nước Đông Nam Á: "Brunei đang đứng đầu danh sách với 721 xe, tiếp đến là Malaysia với 443 xe và Thái Lan 225 xe, Việt Nam đứng gần cuối bảng với chỉ 23 xe/ 1.000 người dân".
Đọc những thống kê đó, chúng ta thấy dung lượng thị trường chúng ta nhỏ bé tới cỡ nào? Với thị trường nhỏ bé như vậy liệu rằng chúng ta có đủ điều kiện để đàm phán, ép buộc các hãng xe lớn phải sử dụng sản phẩm nội địa của chúng ta hay không? Và như vậy, các nhà đâu tư có dám mạnh dạn làm hay không, hay làm xong không biết bán sản phẩm cho ai?
>> 'Doanh nghiệp Việt sính thị trường ngoại'
Chúng ta có thể nhìn sang nền công nghiệp xe gắn máy, khi dung lượng thị trường đủ lớn, mỗi gia đình có 2-3 chiếc xe, dù không thấy chính sách nào của các Bộ ban ngành khuyến khích công nghiệp phụ trợ cho xe máy nhưng nó vẫn phát triển. Có thể nói, hiện nay, công nghiệp phụ trợ cho xe máy của chúng ta đủ mạnh để sản xuất được hầu hết các linh kiện cho xe gắn máy.
Như vậy, muốn thị trường nôi địa đủ lớn để công nghiệp phụ trợ tự phát triển theo quy luật cung - cầu của thị trường thì đương nhiên chúng ta phải mở dung lượng cho thị trường nội địa đủ lớn. Nhưng ở một khía cạnh khác, khi mở dung lượng thị trường nội địa, chúng ta lại vướng tiếp vào câu chuyện tắc đường, kẹt xe ở những thành phố lớn. Đây lại là câu chuyện của các nhà Quy hoạch vùng dân cư. Nhưng vấn đề này không thuộc phạm trù công nghiệp phụ trợ.
Ở đây, chúng ta cũng chỉ nhìn vào thị trường phụ trợ đơn giản, còn công nghệ mang tính chiều sâu như động cơ, cầu, hộp số cho ôtô thì chúng ta sẽ có thể làm gì khi đã từ lâu xoá bỏ Bộ luyện kim? Vì vậy, các nhà thiết kế chính sách để khuyến khích ngành công nghiệp phụ trợ cho xe ôtô cũng cần nhìn nhận thấu đáo về các vấn đề liên quan để thực sự chính sách có thể đi vào được cuộc sống của những người có mong muốn đầu tư công nghiệp phụ trợ.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.