(Bài viết Ý kiến không nhất thiết trùng quan điểm của VnExpress.net)
Ở các nước phát triển, số lượng nông dân chỉ bằng 5-15% dân số, tạo ra lương thực đủ để nuôi phần dân số còn lại, thậm chí có dư để xuất khẩu. Lượng dư để xuất khẩu này không lớn nhưng có giá rất cao. Ví dụ, người ta trồng nho để làm rượu vang, vừa cung cấp đủ nho tươi cũng như rượu vang cho nội địa, vừa có dư để xuất khẩu. Xuất khẩu theo đơn đặt hàng của nước ngoài với tiêu chuẩn chất lượng mà người đặt hàng yêu cầu. Nếu không ai đặt hàng thì lượng nho tươi còn dư họ đem ủ rượu hết rồi cất vào kho, để bao lâu cũng được. Chẳng ai biết lượng dự trữ của họ là bao nhiêu, chỉ biết giá cả của rượu vang ấy gần như không đổi (chỉ thay đổi theo giá nhân công, giá vận chuyển).
Cùng loại với rượu vang của Tây là rượu nếp than, nước cơm rượu của ta với độ cồn tương đương (12-15 độ cồn). Chúng ta không biết cách bảo quản nên những sản phẩm này không để lâu được. Nhìn chai rượu vang trong veo của họ rồi so sánh với chai rượu nếp than đục ngầu của ta mà ngán ngẩm. Nói về bảo quản lại càng là chuyện dài nhiều tập. Gần đây, chúng tôi có nhập lê, táo từ nước ngoài, quả nào cũng to bằng quả cam sành cỡ đại, bỏ trong tủ lạnh (ngăn chứa rau) 3-4 tháng không hỏng. Họ đã dùng cách gì để bảo quản lâu như thế mà ăn vẫn tươi ngon?
Nhìn lại trái cây Việt Nam. Ví dụ như xoài, hồi bao cấp, một quả xoài xanh cứng như gỗ mua về 3-4 ngày sau mới chín, mới ăn được; 7-8 ngày sau mới hỏng. Còn xoài bây giờ, mới mua về còn xanh ngắt mà ngày hôm sau đã có sắc vàng. Hôm sau nữa thì hoàn toàn màu vàng, có đốm đen. Hôm tiếp theo thì đốm đen lan ra to và quả xoài ấy xem như vứt sọt rác. Chưa nói đến chất lượng, chỉ so sánh về việc bảo quản thôi, ta cách biệt với họ một trời, một vực.
Ngày xưa không có quả thanh long và cây thanh long chỉ là một giống cây cảnh có họ xương rồng. Người trồng thanh long đã lai tạo cấy ghép để có quả thanh long, rồi thanh long huyết. Bưởi da xanh ngày xưa rất đẹp mã nhưng ăn không ngon (chua lè), người trồng bưởi lai tạo để bây giờ loại bưởi này được xuất khẩu sang Mỹ đến hàng nghìn tấn. Từ đó, có thể thấy việc lai tạo cấy ghép cho ra giống mới ở ta còn mang tính tự phát.
>> 'Nâng giá lúa, giữ nông dân'
Chúng ta có loại vú sữa tím, to và ngon hơn vú sữa xanh rất nhiều, trồng ở miền Trung. Loại vú sữa này trồng ra được bao nhiêu xuất khẩu hết, thị trường chẳng mấy ai biết đến. Thị trường nội địa là cái gốc của nền kinh tế nhưng tư duy của người Việt lại xem thị trường nước ngoài mới là nơi kiếm tiền. Người ta ăn cái gì thì họ xuất khẩu cái đó, còn ta cái gì ngon nhất đem xuất khẩu, chất lượng kém mới để xài nội địa. Tư duy như vậy làm sao giàu?
Hàng ngon nhất tốt nhất phải được dùng cho tiêu dùng nội địa trước, cung vượt cầu mới nghĩ đến xuất khẩu. Từ đây tạo ra tính cạnh tranh gay gắt ngay trên thị trường nội địa. Cạnh tranh cao thì làm gì có hàng chất lượng kém? Chất lượng cao thì hàng rởm hàng giả làm sao có cửa mà ra thị trường? Tự nhiên, người nông dân không cần phải kêu cứu, trái lại còn sống khỏe.
Ta lại thường có tư duy ngược với phương Tây. Cái dở nhất, kém nhất thì để dùng trong nước khiến cho hàng ngoại nhập chất lượng thượng vàng hạ cám tràn ngập thị trường nội địa. Khi hàng hóa trên thị trường nội địa có chất lượng cao thì hàng ngoại nhập có chất lượng cao hơn được cho phép nhập khẩu gia nhập thị trường nội địa để thúc đẩy sự cạnh tranh lên một tầm cao mới. Người ta làm ra hàng rào tiêu chuẩn chất lượng là vì thế. Đồ nhập khẩu phải tốt hơn đồ trong nước mới được cho phép nhập.
Với thứ tư duy của chúng ta ở trên, hàng rởm giá rẻ nhập khẩu tràn ngập vì có rởm cũng vẫn tốt hơn đồ rởm có sẵn trong nước. Khi nơi nơi tràn ngập hàng chất lượng kém thì người nông dân cũng tạo ra những nông sản chất lượng kém như vậy với đủ thứ rau, thịt bẩn, kém an toàn vệ sinh thực phẩm. Người ta cạnh tranh đi lên (chất lượng tăng tương ứng với giá tăng), còn ta cạnh tranh đi xuống (số lượng bù chất lượng với giá ngày càng rẻ mạt).
Nước này giàu nước kia nghèo, người này giàu người kia nghèo, hơn kém nhau ở mỗi cái tư duy thôi.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.