Không đồng tình với quan điểm 'Tư duy coi trọng thị trường nước ngoài hơn nội địa khiến nông dân nghèo' của tác giả Lâm, độc giả Hồng hà cho rằng, việc thị trường trong nước chưa được nông dân quan tâm một phần đến từ chính thái độ tiếp nhận của người tiêu dùng:
"Nền kinh tế gia công, nền kinh tế hướng về xuất khẩu thì cũng có mặt trái và mặt phải của nó, tùy từng giai đoạn mà buộc phải lựa chọn. Nói như tác giả cũng chưa đúng vì chỉ nhìn một mặt của vấn đề. Thực tế, các mặt hàng chất lượng thì giá cũng cao nên không phù hợp với số đông người tiêu dùng trong nước. Nói vậy không phải là ở thị trường nội địa không có những mặt hàng nội địa chất lượng, có điều các mặt hàng này đang nằm trên kệ và tủ mát của các cửa hàng ở phân khúc khác, muốn thì chỉ cần tìm là có, chỉ có điều chấp nhận được cái giá của nó hay không mà thôi.
Ví dụ như mặt hàng dâu tây tươi chẳng hạn, loại bình dân trái cũng to ngọt nhưng giá chỉ quanh quẩn 100 nghìn đồng/ kg, phù hợp với số đông người tiêu dùng; trong khi phân khúc cao cấp hơn từ 400 nghìn đồng/ kg và loại hữu cơ trên 600 nghìn đồng/ kg, nhưng phần lớn người tiêu dùng chưa sẵn sàng trả cho mức giá đó. Hay như các mặt hàng may mặc chẳng hạn, phần lớn có thể chấp nhận được mức giá bình dân, nhưng bao nhiêu người sẵn sàng chấp nhận giá của các phân khúc cao cấp hơn?".
Cũng có chung quan điểm, bạn đọc Đỗ Hoàng Hưng bổ sung thêm:
"Sản phẩm bán trong nước nếu sạch và ngon lại bị chê giá thành cao, nhưng nếu là hàng ngoại thì họ sẵn sàng chi tiền ra để mua. Nếu muốn nói đi thì cũng phải nói lại, hiện nay nhiều người dân chê gạo Việt, nhưng hễ thấy gạo gắn mác "Thái Lan" "Malaysia" là chịu chi hết cỡ. Còn về chuyện giải cứu, chẳng qua là do yếu kém ở khâu quản lý, vận chuyển, điều tiết thị trường của nhà quán lý bởi nơi thì giá rẻ như cho, nơi thì giá cao nhất ngưởng".
>> Tâm lý sính ngoại khiến người Việt mua sung Nhật giá 2 triệu đồng một kg
"Thu nhập bình quân của dân Việt còn thấp, đâu phải ai cũng đủ tiền mua giá tương đương hàng xuất khẩu, trong khi nông dân, doanh nghiệp đâu thể làm nhà từ thiện. Khi thu nhập bình quân tăng lên ngang hay hơn nước khác, xuất khẩu không đem lại hiệu quả thì người sản xuất sẽ quay về với thị trường nội địa thôi", độc giả Sadman bày tỏ sự cảm thông với người sản xuất.
Trong khi đó, nói về giải pháp lấy lại thế cân bằng cho thị trường nội địa, bạn đọc Nguyễn Quang Lợi cho rằng cần có sự thay đổi trong chính thái độ đón nhận hàng Việt của người tiêu dùng trong nước:
"Khi tôi vào cửa hàng mua sữa, nhân viên hỏi, anh mua sữa nhập Australia hay sữa Việt Nam. Tôi không ngần ngại chọn hàng Việt. Bởi tôi quan niệm, nếu hai loại sữa được sản xuất ra cùng một ngày, thì sữa ngoại phải mất mấy ngày mới tới tay người tiêu dùng Việt Nam, còn sữa nội có thể tới ngay buổi chiều. Trong khi công nghệ sản xuất sữa của Việt Nam có thể nói là hiện đại bậc nhất thế giới. Nguồn bò, nguồn cỏ phì nhiêu... không có gì thua kém nước ngoài. Thậm chí, tôi quan niệm sữa nội còn tốt hơn sữa ngoại. Hoặc như qua quả, một quả ổi nhập ngoại, tôi không thích bằng quả ổi nội vừa hái ăn ngay. Chỉ có cái gì Việt Nam không có, bắt buộc phải mua hàng ngoại thì tôi mới phải chấp nhận. Đây cũng là những điều mà Hàn Quốc, Nhật bản, Trung Quốc đã làm tốt, nên nền kinh tế của họ phát triển nhanh vượt bậc...".
Quan điểm của bạn về vấn đề này thế nào?
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.