PGS.TS.BS Nguyễn Hữu Ước, Chủ tịch Hội Bệnh mạch máu Việt Nam, Trưởng khoa Phẫu thuật Tim, Mạch máu và Lồng ngực, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết thông tin trên tại Hội nghị khoa học toàn quốc lần thứ III hôm 8/6. Sự kiện do Hội Bệnh mạch máu Việt Nam tổ chức tại Quảng Ninh, thu hút 1.000 chuyên gia trong và ngoài nước.
Trước đây khi chưa có Hybrid, bác sĩ buộc phải phẫu thuật hoặc can thiệp độc lập cho người mắc các bệnh mạch máu nặng, nhưng hiệu quả điều trị thấp, rủi ro cao. Năm 2012, phó giáo sư Ước là người tiên phong thực hiện phẫu thuật Hybrid tại Việt Nam. Kỹ thuật này áp dụng cho người bệnh mạch máu nặng không thể chỉ điều trị bằng phẫu thuật hoặc can thiệp. Nếu chỉ phẫu thuật có thể nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh, trong khi riêng can thiệp có nguy cơ gây thiếu máu cho các nhánh khác. Kỹ thuật Hybrid kết hợp "2 trong 1" giúp tận dụng triệt để ưu điểm của từng phương pháp, vừa điều trị hiệu quả vừa đảm bảo ít xâm lấn.
Một số trường hợp có thể phẫu thuật và can thiệp độc lập, nhưng bác sĩ vẫn thực hiện kỹ thuật Hybrid để tiết kiệm chi phí, giảm thời gian mổ cùng số lần gây mê, hậu phẫu nhẹ nhàng hơn cho người bệnh.
Phó giáo sư đánh giá Hybrid ra đời đã làm thay đổi chất lượng chẩn đoán, điều trị các bệnh lý động mạch chủ nặng. Trước đây, nhiều ca tiên lượng tử vong cao, nay có thể cứu sống. Đây là một trong những công nghệ điều trị bệnh động mạch chủ mới và phức tạp nhất. Hiện, Việt Nam có 400 ca thực hiện phương pháp này thành công. Kỹ thuật này có độ khó cao, đòi hỏi các máy móc chuyên sâu nhất nên không phải cơ sở y tế nào cũng đủ điều kiện tiến hành. "Hiệu quả thực hiện Hybrid ở nước ta tương đương với Trung Quốc, Đài Loan...", phó giáo sư Ước nói.
Phương pháp này được ứng dụng trong điều trị nhóm bệnh động mạch chủ ngực bụng, bệnh động mạch chi dưới, bệnh vùng quai động mạch chủ.
Với nhóm bệnh động mạch chủ ngực bụng, nếu phẫu thuật, tỷ lệ tử vong trên bàn mổ và sau mổ có thể đến 90%. Trường hợp không phẫu thuật, động mạch chủ phồng vỡ gây nguy hiểm tính mạng. Đặt stent cũng không khả thi vì làm bít các mạch máu nuôi tạng. Hiện, với phương pháp Hybrid, bác sĩ bắc cầu từ động mạch chậu lên các mạch tạng, giúp mạch tạng được cấp máu, hoặc cầu nối giữa các động mạch nuôi não, sau đó đặt stent graft ngay trong cuộc mổ để che phủ toàn bộ tổn thương. Tỷ lệ rủi ro giảm thấp, còn dưới 10%.
Ở nhóm bệnh động mạch chi dưới, Hybrid giúp nhiều người bệnh tránh nguy cơ thiếu máu nặng và cắt cụt chi. Cụ thể một nam bệnh nhân 80 tuổi, nhập viện tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội do tắc mạch chi dưới hai bên. Chân trái người bệnh yếu đến mức không cử động được, phải ngồi xe lăn. Nếu không điều trị, người bệnh có nguy cơ cắt cụt hai chân.
Nếu người bệnh can thiệp nhiều lần bằng stent các động mạch chậu, đùi, rồi phẫu thuật bắc cầu hai bên thì sẽ rất nguy hiểm đến tính mạng do tuổi cao, nhiều bệnh nền. Các bác sĩ quyết định thực hiện phương pháp Hybrid, kết hợp phẫu thuật và can thiệp ngay trong một cuộc mổ. Sau điều trị, chân trái được tưới máu tốt, người bệnh có thể vận động nhẹ nhàng, thoát liệt.
Hybrid là giải pháp duy nhất cho các trường hợp bệnh mạch máu cần điều trị bằng can thiệp nội mạch nhưng không thể do có nguy cơ gây thiếu máu, theo phó giáo sư Ước. Những bệnh mạch máu nguy hiểm khi mổ mở, cần phối hợp với can thiệp cũng nên sử dụng phương pháp này.
Theo bà Thang Thị Hạnh, Vụ trưởng Vụ Tổ chức Phi chính phủ, Bộ Nội vụ, tỷ lệ mắc bệnh mạch máu hiện ngày càng gia tăng tại Việt Nam. Bệnh liên quan đến các bệnh lý rối loạn chuyển hóa, tăng huyết áp, béo phì. Hội nghị là cơ hội để các chuyên gia cùng chia sẻ kinh nghiệm, cập nhật kỹ thuật chuyên môn.
Hội nghị Bệnh mạch máu diễn ra ngày 8-9/6, gồm 160 bài báo cáo được xây dựng xoay quanh 13 chủ đề của Hội Bệnh mạch máu. Sự kiện đem đến cái nhìn toàn diện về bệnh lý mạch máu, qua đó nâng cao chất lượng điều trị cho người bệnh.
Hoài Phạm
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tim mạch tại đây để bác sĩ giải đáp |