Vừa qua, vợ và con dâu tôi có đọc một số bài viết nói về "nỗi sợ làm dâu" và hai người có giao "nhiệm vụ" cho tôi phải giải oan cho họ vì tôi là người đứng giữa, làm "trọng tài" sẽ công bằng hơn. Vì vậy, tôi xin gửi tới bạn đọc VnExpress một vài ý kiến nhỏ của riêng gia đình mình, mong có thể làm nguôi đi ý nghĩ "sợ làm dâu" của một số chị em ngày nay.
Thực tế, một số gia đình vì vấn đề kinh tế, bệnh tật, cuộc sống khó khăn, nhận thức xã hội hoặc lý do nào đó mà khi sống chung nhiều thế hệ với nhau không có sự thông cảm, sẻ chia. Đặc biệt, không ít các cặp vợ chồng trẻ chưa có đủ kiến thức hôn nhân nên thiếu sự cho đi và đặt nặng cái tôi trong cuộc sống gia đình, dẫn đến những mâu thuẫn, bất đồng, thiếu sự vị tha, nhường nhịn nhau. Kết quả là cuộc hôn nhân ngày càng thêm đau khổ, có chị em coi sống với gia đình chồng như là địa ngục.
Theo tôi, các bạn phụ nữ cần phải xác định, hôn nhân là kết quả của một tình yêu đẹp, vì vậy nó phải kế thừa những thứ đẹp đẽ đó, phải là giai đoạn chuyển tiếp rực rỡ chứ không phải lụi tàn. Khi kết hôn, các bạn phải hiểu, nhiều nhất mình cũng chỉ nên giữ lại 40% cái tôi mà thôi. Tôi nói nhiều nhất vì hãy để cho đối phương (vợ hoặc chồng) chiếm 50%, còn gia đình là 10% còn lại. Yêu là dâng hiến, nên không có được, mất, thắng, thua. Ở đây, chúng ta phải xác định như vậy thì cuộc sống hôn nhân mới có cơ sở vững chắc.
Khi con trai tôi cưới vợ năm 2009, tôi cho con ở riêng ngay, rất nhiều người có ý kiến phản đối, nói này nói kia, nhưng tôi nhất quyết không thay đổi quan điểm. Tôi muốn các con được trải nghiệm cuộc sống của riêng chúng, xây dựng gia đình nhỏ của con theo đúng cách các con muốn. Vậy là tôi cho các con căn nhà ở quận trung tâm Sài Gòn, có người giúp việc riêng. Cũng chính tôi là người trả tiền thuê giúp việc dù lương của con trai tôi lúc đó cũng đã trên 1.300 USD mỗi tháng, chưa kể lương cử nhân của con dâu.
Nhưng gần hai năm sau khi có con đầu lòng, chính các con lại chủ động xin về sống chung với vợ chồng tôi. Lý do chính chắc cũng như nhiều cặp vợ chồng trẻ bây giờ, đó là cái tôi của ai cũng cao, thêm con cái và công việc chiếm mất nhiều thời gian, không gian riêng, nên ảnh hưởng đến tình cảm gia đình. Đặc biệt, những xung khắc về cách sống khi một người chỉ lo tiết kiệm, tích lũy, còn người kia lại không chịu nổi sự khắc khổ, ngột ngạt. Cuối cùng hai con không ai có thể phát triển bản thân như kỳ vọng được.
>> Những người phụ nữ cả năm lo việc nhà chồng
Sau khi các con về sống chung. Chính vợ tôi (mẹ chồng) là người phát hiện và gỡ được nút thắt đó. Khi cháu nội tôi được 5 tháng tuổi, con dâu tôi vừa công tác, vừa học cao học, lại được kết nạp Đảng trong thời gian ba năm. Con trai tôi học kinh doanh. Trong suốt tám năm gia đình bốn thế hệ chúng tôi ở chung với nhau, các con sinh và nuôi hai thiên thần nhỏ, nhưng tình cảm mẹ chồng - nàng dâu, tình cảm bố - con, ông - cháu vẫn rất tốt đẹp. Nhờ đó, sự nghiệp của các con cũng từng bước phát triển, cả con trai và con dâu tôi đều làm quản lý.
Cách đây ba năm, do sức khỏe của vợ chồng tôi giảm sút, phát sinh nhiều bệnh tật, trong khi bố mẹ tôi cũng tuổi cao sức yếu (trên 95 tuổi), nên tôi mới ngỏ ý nói các con cháu ra ở riêng để không bị làm phiền. Khi gọi các con tới nói chuyện, con dâu tôi còn tỏ ra ngỡ ngàng, thiết tha xin ở được lại cùng ông bà, bố mẹ chồng. Nhưng tôi không muốn các con phải phân tâm vì chuyện chăm sóc, phụng dưỡng hai thế hệ già, không muốn đặt gánh nặng của mình lên vai các con, nên vẫn giữ quyết định đến cùng.
Tôi nói với các con: "Bố mẹ thấu hiểu được tấm lòng hiếu thảo của các con, rất cảm ơn các con trong suốt thời gian qua, nhưng đến lúc phải tách ra rồi. Bố mẹ còn ông bà, các con còn cuộc sống của chính mình, còn con cái sau này, chúng ta dù không ở chung nhưng vẫn sát bên nhau mà".
Hiện tại, gia đình tôi vẫn giữ thói quen mỗi tuần hai bữa ăn cơm chung, mỗi tháng một bữa quy tụ tất cả ba gia đình cha mẹ, con cháu, dâu rể tới ăn chung một lần. Khi con gái không về được là chúng tôi kéo lên Sài Gòn để gặp các con, chỉ có bố mẹ tôi già yếu không đi được mà thôi. Hàng ngày, sau giờ học, lái xe riêng vẫn đưa hai cháu về nhà tôi tắm rửa, ăn uống bữa tối, rồi các con mới qua đón về.
Nhờ thế, đến nay tôi thấy cuộc sống của chúng tôi rất hạnh phúc. Nói vậy để các bạn trẻ hiểu rằng không phải nhà chồng (nhà vợ) nào cũng ghê gớm; không phải mẹ chồng, nàng dâu nào "ngáo ộp" cả. Các bạn trẻ không cần phải suy nghĩ quá nhiều cho viễn cảnh sau hôn nhân, hãy mạnh dạn tiến tới, xác định cứ cho đi rồi các bạn sẽ nhận về hạnh phúc.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.