Chia sẻ việc nhiều người đàn ông bênh mẹ bất chấp sai trái và yêu cầu vợ chấp nhận việc này bởi "đó là mẹ", không ít độc giả VnExpress bày tỏ quan điểm phản đối:
Bênh mẹ vô điều kiện là phong tục hiếu thảo ngờ nghệch. Mối quan hệ cha mẹ và con cái trở thành sự chịu đựng, không còn chân thành chia sẻ để hai thế hệ cùng cảm thông và yêu thương hơn. Giờ nhiều vị phụ huynh luôn muốn con cái như cái máy robot làm theo ý mình. Tôi tự nhủ mình nuôi con và tôn trọng con để xây dựng thứ tình cảm yêu thương, chia sẻ với con. Không muốn sau này con cái diễn kịch và luôn cố gắng im lặng, xa lánh để tránh cãi vã.
Tôi cũng gặp hoàn cảnh này. Quan điểm tôi là ai đúng ai sai phải rõ ràng, phải nói ra mới giải quyết được. Quan trọng là cách nói, đừng hỗn là được. Mẹ của bạn chứ không phải mẹ đẻ của người ta, sai mà bắt vợ nhịn thì ai chịu nổi? Thử là bạn, bạn có chịu đựng được không? Câu trả lời lúc nào cũng là vậy: thử đặt mình vào vị trí vợ, rồi xem nên làm gì cho phải.
Tôi rất bênh mẹ mình, nhưng không thể bênh cái sai khi đã biết rõ.Đó là nhỏ nhen và áp đặt. Có điều khi nói với mẹ, vẫn phải là thái độ tôn trọng chứ không thể to tiếng, hỗn hào.
Bạn hãy luôn nhớ rằng bạn yêu mẹ bạn là lẽ đương nhiên, bạn dung túng cho mẹ bạn sai nối tiếp sai là chuyện của bạn, nhưng đừng bắt vợ bạn chịu. Cái câu nói muôn thuở "bố mẹ già rồi, không sống được bao lâu nữa" cũng chiếm mất của vợ bạn 15 năm là ít. Mẹ chồng không sinh ra, không nuôi vợ, nên đừng bắt vợ phải chịu. Hoặc nói "mẹ thích chửi mắng cứ chửi con, còn vợ con thì để con nói", hãy giải thoát cho vợ. Một đứa con ngoan đôi lúc cũng trở thành một ông bố tệ thời hiện đại. Ông bà già đến độ mất nhận thức thì không nói, còn tỉnh táo mà cứ dung túng để ông bà hành sự theo kiểu "bố mẹ là vua, con là tôi" thì tôi đồ rằng chồng chỉ làm khổ vợ thôi.
Làm con nhường mẹ một chút cũng tốt, nhưng 6-4 là được rồi. Vì về nguyên tắc, dâu - rể chẳng nợ nần gì, 5-5 là công bằng. Dâu rể đã chịu thiệt một chút thì nhà chồng/ vợ cũng nên biết điều, để ai cũng vui. Còn nếu muốn mình được 10 còn người ta 0 (có nghĩa là nhất nhất phải nghe nhà chồng/ vợ, một bên luôn đè nén, một bên luôn chịu đựng), không sớm thì muộn cũng tan nát. Bởi sức chịu đựng của con người đều có giới hạn. Bênh đúng thì không ai ý kiến. Sai vẫn bênh, bênh một cách mù quáng, bênh bất chấp giới hạn thì bạn đừng lấy vợ. Vì mẹ là người thân thì vợ cũng vậy. Phải coi hai bên như nhau, đều là người thân cần được bảo vệ thì gia đình mới hạnh phúc.
Không hẳn ích kỷ hay không mà còn tùy tình huống, một câu nói không phải lúc nào cũng đúng trong mọi trường hợp. Trong gia đình, cần lấy sự hoà thuận làm trọng, khi có mâu thuẫn giữa vợ và mẹ, người đàn ông cần lắng nghe bằng hai tai và phân xử hợp lý. Cả hai người phụ nữ đều thương một người nên không thể bên trọng, bên khinh mà phải làm sao để cả hai cùng hoà hợp, đó mới là cái hay trong gia đình.
Việc luôn áp chế theo một bên chỉ làm cho bên còn lại gây nhiều mâu thuẫn hơn. Nên câu "mẹ có sai em cũng không được quyền nói, đó là mẹ anh" nên chuyển thành một câu có ý tiếp nhận hơn như "vấn đề này ta cũng bình tĩnh xem xét, mẹ anh cũng là mẹ em, mình cũng ngồi xuống, bình tĩnh giải quyết". Vợ chồng trong mọi trường hợp vẫn nhất thiết tôn trọng nhau thì sống chung mới lâu bền, ích kỷ thì khoan dung lấy làm tiêu chí, chứ không thể lấy một câu nói để đánh giá toàn bộ con người được.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.