Co giật xảy ra khi có hoạt động điện bất thường trong não. Mọi người thường biết đến cơn co giật xảy ra vào ban ngày, ít ai nghĩ co giật xảy ra vào ban đêm, khi cơ thể nghỉ ngơi. Tuy nhiên, theo tờ Verywell Health (Mỹ) thực tế co giật có thể xuất hiện ngay khi một người đang ngủ. Vì co giật về đêm xảy ra khi một người đang ngủ nên việc chẩn đoán gặp khó khăn. Nếu không có người thân bên cạnh chứng kiến, cơn co giật ban đêm của một người có thể bị bỏ qua. Có nhiều lý do có thể khiến một người bị co giật. Tuy nhiên nguyên nhân thường phụ thuộc vào tuổi và tiền sử bệnh lý. Một nửa số người bị co giật không có lời giải thích rõ ràng.
Co giật vào ban đêm xảy do các nguyên nhân tiềm ẩn như sốt cao, chấn thương đầu hoặc chấn thương sọ não, khối u não, các tình trạng nhiễm trùng chẳng hạn như viêm não, viêm màng não. Các tình trạng bẩm sinh như hội chứng down, di truyền học, phát triển não bất thường, đột quỵ hoặc bệnh Alzheimer ở người cao tuổi cũng có thể dẫn đến co giật.
Diễn biến âm thầm của cơn co giật vào ban đêm thường khó xác định hơn vì những người trải qua chúng đều đang ngủ. Thậm chí, nhiều người bị co giật ở thể nhẹ, sáng thức dậy bình thường và không biết chuyện gì xảy ra vào đêm qua.
Các cơn động kinh có thể xảy ra bất cứ lúc nào khi người bệnh đang thức hoặc đang ngủ. Theo nghiên cứu "Các hội chứng về giấc ngủ và động kinh" đăng tải trên tờ Thieme (Mỹ) năm 2015, các nhà khoa học nhận thấy có khoảng 20% người bị động kinh chỉ bị co giật khi ngủ, 40% chỉ bị co giật khi thức và 35% bị co giật cả khi thức và khi ngủ.
Co giật về đêm thường xảy ra nhất ngay sau khi ngủ, trước khi thức dậy và sau khi thức dậy. Một người có thể kiểm tra xem mình và người thân có từng bị co giật về đêm hay không thông qua các dấu hiệu như có cảm giác vừa cắn lưỡi, mất kiểm soát bàng quang và đi tiểu không chủ ý, nhức đầu hoặc bầm tím tay, chân không rõ nguyên nhân khi thức dậy.
Động kinh trong khi ngủ cũng có thể gây ra các cử động không chủ ý, chẳng hạn như cơ thể giật, tay cứng, chân cứng, khóc hoặc phát ra tiếng động bất thường, ngã ra khỏi giường. Sau cơn động kinh, nhiều người gặp phải tình trạng rối bời và buồn ngủ liên tục vào ngày hôm sau, một số khác có thể không thể tỉnh lại mà rơi vào trạng thái mê man.
Một số tình trạng co giật có khả năng xảy ra trong khi ngủ, bao gồm:
Bệnh động kinh myoclonic vị thành niên: co giật bắt đầu trong thời thơ ấu và được đặc trưng bởi các cơn co thắt cơ đột ngột, không chủ ý.
Cơn co giật tonic-clonic: một cơn động kinh xảy ra khi thức dậy sau khi ngủ, gây ra hiện tượng giật không kiểm soát và cứng của cánh tay, chân hoặc cơ thể.
Co giật rolandic lành tính: một chứng rối loạn co giật ảnh hưởng đến trẻ nhỏ và thanh thiếu niên.
Hội chứng Landau-Kleffner: một hội chứng hiếm gặp về giọng nói, ngôn ngữ, hành vi, học tập và co giật ảnh hưởng đến trẻ nhỏ.
Động kinh thùy trán: Một dạng động kinh phổ biến bắt nguồn từ việc các tế bào não gửi các xung động bất thường ở thùy trán.
Để chẩn đoán co giật về đêm, bác sĩ sẽ cho người bệnh làm điện não độ. Điện não đồ là một xét nghiệm theo dõi các bất thường về điện và hoạt động trong não. Thủ thuật không đau này bao gồm việc dán các điện cực nhỏ nối với dây nhỏ vào da đầu. Các điện cực này có thể theo dõi hoạt động của não khi thức và khi ngủ. Các nghiên cứu về giấc ngủ cũng thường được thực hiện đối với những người nghi ngờ bị co giật về đêm. Sau khi chẩn đoán động kinh, bác sĩ có thể tiến hành chụp ảnh não qua chụp MRI hay CT bổ sung để kiểm tra các vùng não bị ảnh hưởng bởi cơn động kinh.
Khi phát hiện một người bị co giật trong khi ngủ, bạn nên đảm bảo xung quanh người đang co giật không có vật sắc nhọn hoặc các vật dụng có thể gây thương tích. Bạn cũng không nên cố gắng giữ họ mà nên đưa họ nằm xuống sàn, kê gối trên đầu để tránh họ ngã xuống giường. Nếu cơ co giật khiến họ khó thở, bạn nên liên hệ cơ sở y tế gần nhất để được trợ giúp.
Anh Chi (Theo Verywell Health)