Trả lời:
Mặc dù thuốc kháng sinh dùng để điều trị nhiễm trùng vùng họng nhưng chúng có thể có tác dụng phụ. Sử dụng kháng sinh không đúng cách sẽ làm tăng nguy cơ vi khuẩn trở nên kháng thuốc. Đối với viêm amidan, thuốc kháng sinh sẽ không giúp ích gì nếu bệnh có nguyên nhân từ nhiễm virus như virus cúm, parainfluenza, herpes simplex, epstein-barr. Thuốc kháng sinh có thể được dùng cho trường hợp viêm amidan do vi khuẩn.
Thuốc kháng sinh thường được bác sĩ kê đơn dựa trên các triệu chứng lâm sàng cho thấy viêm amidan do nhiễm vi khuẩn như sốt, amidan sưng lên với một lớp đốm trắng hoặc hơi vàng trên đó có thể kèm hoặc không kèm nổi hạch cổ.
Trường hợp bị viêm amidan 3 ngày không khỏi, bạn thử áp dụng các phương pháp hỗ trợ tại nhà như súc miệng bằng nước muối sinh lý, sử dụng viên ngậm họng, ăn cháo, súp ấm. Sau đó, nếu tình trạng viêm không cải thiện, bạn nên đến bệnh viện thăm khám chuyên khoa Tai Mũi Họng để tìm nguyên nhân và điều trị phù hợp.
Nếu viêm amidan tái phát hơn 5 lần một năm, viêm amidan quá phát có thể ảnh hưởng tới chức năng đường thở, phẫu thuật cắt amidan có thể được chỉ định để phòng ngừa các biến chứng như ngưng thở khi ngủ, viêm cầu thận cấp, viêm khớp, viêm màng ngoài tim, viêm nội tâm mạc... Ngưng thở khi ngủ là một biến chứng thường gặp ở những người bị viêm amidan quá phát. Biến chứng này tiềm ẩn nhiều mối nguy hại cho sức khỏe người bệnh như nguy cơ mắc các bệnh lý về tim mạch, bệnh đái tháo đường, stress, trầm cảm do thiếu ngủ và đột quỵ.
Chẳng hạn như Bệnh viện Tâm Anh cắt amidan bằng công nghệ coblator, dao plasma loại bỏ triệt để ổ viêm, phòng ngừa tái phát. Kỹ thuật này vừa cắt, vừa cầm máu nên hạn chế mất máu. Ngoài ra, nhờ sử dụng dao nhiệt độ thấp nên không làm tổn thương vùng xung quanh, vết thương mau lành. Thời gian thực hiện chỉ 30 phút, lượng thuốc mê sử dụng thấp, bệnh nhân tỉnh táo sau phẫu thuật khoảng 10 phút. Khoảng ba tiếng sau, bệnh nhân có thể ăn súp và uống sữa, giọng nói, chức năng nuốt sau mổ bình thường và xuất viện vào ngày hôm sau.
Lưu ý khi điều trị bằng kháng sinh chỉ dùng theo kê đơn của bác sĩ. Người bệnh cần uống đúng liều, đủ ngày, không bỏ thuốc giữa chừng, tránh nguy cơ kháng thuốc kháng sinh sau này.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo, tình trạng kháng thuốc kháng sinh khiến cho việc điều trị các bệnh nhiễm trùng trở nên khó khăn hơn, đồng thời dẫn đến chi phí cao hơn, thời gian nằm viện kéo dài và tăng tỷ lệ tử vong. Hiện nay, mỗi năm có ít nhất 700.000 người chết do các bệnh kháng thuốc. Liên Hợp Quốc cũng dự báo các bệnh kháng thuốc có thể khiến 10 triệu người tử vong mỗi năm vào năm 2050.
ThS.BS.CKI Nguyễn Thị Thục Như
Khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM