Viêm amidan và viêm họng liên cầu khuẩn là những tình trạng phổ biến gây đau họng và rất dễ nhầm lẫn với nhau. Chúng khác biệt nhau về nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và biến chứng. Dưới đây là sự khác biệt giữa viêm amidan và viêm họng liên cầu khuẩn.
Nguyên nhân
Sự khác biệt chính giữa viêm amidan và viêm họng liên cầu khuẩn là nguyên nhân gây ra bệnh. Cả hai tình trạng đều do nhiễm trùng ở cổ họng và các mô xung quanh nhưng các nhiễm trùng khác nhau.
Viêm amidan thường do virus gây ra. Tuy nhiên, bệnh cũng có thể do nhiễm vi khuẩn gây viêm họng liên cầu khuẩn Streptococcus nhóm A (Strep A). Các loại virus và vi khuẩn phổ biến nhất gây viêm amidan như: Strep A, Adenovirus, virus Herpes, sởi, cự bào, virus Epstein-barr. Viêm amidan không lây truyền nhưng người bị viêm amidan có thể truyền vi trùng gây bệnh cho người khác.
Viêm họng liên cầu khuẩn chỉ do vi khuẩn strep A gây ra. Vi khuẩn này cũng là nguyên nhân gây ra các bệnh nhiễm trùng như chốc lở, sốt thấp khớp, viêm cân hoại tử, viêm mô tế bào và một số bệnh khác. Bệnh lây qua dịch tiết đường hô hấp hoặc vết loét trên da bị nhiễm trùng. Khi đã tiếp xúc với vi khuẩn liên cầu, các triệu chứng phát triển trong vòng 3-5 ngày.
Triệu chứng
Các triệu chứng viêm amidan và viêm họng liên cầu khuẩn rất giống nhau. Chúng đều gây đau họng, sốt, khó nuốt và sưng hạch bạch huyết ở cổ. Tuy nhiên, viêm amidan có thể gây ra lớp phủ (chất nhầy, mủ) màu trắng hoặc vàng trên amidan, hôi miệng. Trong khi, viêm họng liên cầu khuẩn thường gây ra những nốt nhỏ màu đỏ gọi là chấm xuất huyết trên vòm miệng (viêm họng hạt) và đau họng xuất hiện nhanh chóng hơn.
Viêm amidan do nhiễm virus thông thường có thể thêm triệu chứng như ho, nghẹt mũi và sổ mũi. Các triệu chứng viêm họng liên cầu khuẩn khác như nhức đầu, buồn nôn, nôn và đau dạ dày phổ biến hơn ở trẻ em.
Điều trị
Điều trị viêm amidan dựa trên nguyên nhân là do vi khuẩn hay virus, mức độ của bệnh, thời gian kéo dài và nhu cầu của bệnh nhân. Viêm amidan do vi khuẩn dùng kháng sinh để điều trị. Nếu là do virus, chưa có cách điều trị đặc hiệu nào ngoài kiểm soát các triệu chứng. Nghỉ ngơi, uống nhiều nước, súc miệng bằng nước muối, sử dụng máy tạo độ ẩm và uống thuốc không kê đơn có thể giảm bớt các triệu chứng như đau, mệt mỏi, ho...
Phương pháp điều trị chính viêm họng liên cầu khuẩn là bằng thuốc kháng sinh là. Thuốc kháng sinh có tác dụng trong vòng 1-2 ngày. Nếu các triệu chứng không cải thiện trong vòng 48 giờ sau khi bắt đầu dùng thuốc, bạn cần liên hệ bác sĩ để có biện pháp xử lý. Người bệnh cần dùng kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ, nếu dừng lại quá sớm, nhiễm trùng có thể tái phát.
Các biện pháp khắc phục tại nhà để kiểm soát các triệu chứng bệnh này như: nghỉ ngơi hoặc ngủ nhiều hơn, uống nhiều nước, uống thuốc giảm đau không kê đơn, ngậm kẹo (viên ngậm họng), súc miệng bằng nước muối...
Viêm họng liên cầu khuẩn không được điều trị hoặc điều trị không kịp thời, có thể gây ra các biến chứng như như áp xe, nhiễm trùng tai, viêm xoang, viêm cầu thận sau liên cầu. Một biến chứng nghiêm trọng của bệnh là sốt thấp khớp, có thể ảnh hưởng đến tim, não, da và khớp.
Phòng ngừa
Một số cách để phòng viêm amidan là tránh tiếp xúc người bệnh; rửa tay thường xuyên; không dùng chung thức ăn, bàn chải đánh răng, đồ dùng hoặc đồ uống.
Để phòng ngừa viêm họng liên cầu khuẩn, bạn cần tránh tiếp xúc với người bệnh cho đến khi họ dùng thuốc kháng sinh trong 24-48 giờ. Tránh tiếp xúc với dịch tiết của người bệnh (trên khăn giấy, khăn, quần áo...), không dùng chung đồ dùng như bàn chải đánh răng, khăn, cốc uống nước... Vứt bỏ bàn chải đánh răng sau 2-3 ngày nhiễm bệnh để ngăn ngừa tái nhiễm viêm họng liên cầu khuẩn.
Mai Cat (Theo Very Well Health)