Đầu tháng 5, Thủy tình cờ phát hiện có khối lạ ở ngực. Cô đi khám với tâm thế "cho mẹ yên tâm", không hề nghĩ mình ung thư. Bác sĩ cho hay khối u lớn hai cm, may mắn chưa di căn xa. Tuy nhiên, phác đồ điều trị gồm phẫu thuật phối hợp hóa, xạ trị sẽ gây tổn thương buồng trứng. Nghiêm trọng hơn là buồng trứng có thể suy yếu không phục hồi dẫn đến vô sinh và mãn kinh. Nếu phục hồi kinh nguyệt, dự trữ buồng trứng vẫn giảm rất nhanh. Ngoài ra, bệnh nhân phải sử dụng thuốc ức chế hormone nhiều năm tới để ngăn tế bào ung thư phát triển.
"5 năm nữa liệu tôi còn cơ hội sinh con và có một tổ ấm không", Thủy lo lắng, thêm rằng cả gia đình đều sốc vì cô còn quá trẻ và định cưới cuối năm nay. Cô quyết định đông lạnh trứng chờ thời điểm thích hợp thụ tinh trong ống nghiệm.
Đầu tháng 7, cô cùng chồng sắp cưới đến Trung tâm Hỗ trợ Sinh sản, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM (IVFTA-HCMC), để trữ trứng. Thủy còn trẻ nên chỉ cần kích trứng một lần, bác sĩ đã gom được 15 noãn trưởng thành và trữ đông. Với "của để dành" này, cô an tâm điều trị ung thư.
Cũng trữ trứng, Stefani Phạm, 38 tuổi, giải thích lý do là chưa tìm được "ý trung nhân". Cô sang Australia du học từ năm 20 tuổi, tốt nghiệp ở lại trường làm giảng viên. Mải mê sự nghiệp, Stefani chưa lập gia đình."Tôi sợ vài năm nữa mình sẽ không thể làm mẹ", cô nói.
Tại Australia, chi phí đông lạnh trứng 6.000-8.000 USD (khoảng 150-200 triệu đồng) một chu kỳ. Ở Việt Nam, chi phí khoảng 50-60 triệu đồng nên Stefani quyết định về nước để thực hiện.
Khác với Thủy, Stefani gặp trở ngại. Bác sĩ cho hay tuổi của cô khá lớn nên chỉ số dự trữ buồng trứng suy giảm mạnh. Siêu âm buồng trứng hai bên, bác sĩ chỉ "bắt" được 5 nang noãn. Sau ba chu kỳ kích trứng, Stefani mới có đủ số noãn trữ đông.
Ngọc Thủy và Stefani là hai trong nhiều phụ nữ trữ trứng như một loại "bảo hiểm sinh sản" trong tương lai. Hiện Việt Nam chưa có số liệu thống kê cụ thể về nhu cầu này. Tuy nhiên, dịch vụ đông lạnh trứng ngày càng phổ biến tại các bệnh viện và trung tâm sinh sản ở những thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM.
Năm 2022, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh tiếp nhận gần 500 phụ nữ trữ noãn chờ làm mẹ. Nửa đầu năm nay, số ca tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Cao điểm, một tuần bác sĩ tiếp nhận 10-15 trường hợp.
Độ tuổi trữ trứng trung bình từ 28 đến 38. Họ chủ yếu là phụ nữ độc thân chưa có ý định lập gia đình, kết hôn muộn, hoặc sắp điều trị ung thư, sử dụng hormone chuyển giới... Một số trường hợp dự trữ buồng trứng thấp cần gom trứng nhiều chu kỳ, đã kết hôn nhưng trì hoãn sinh con, hoặc đủ con nhưng trữ trứng để sinh thêm trong tương lai.
Bác sĩ CKI Châu Hoàng Phương Thảo, Phó giám đốc IVFTA-HCMC, cho rằng tại Việt Nam dịch vụ trữ trứng ngày càng phổ biến chủ yếu do phụ nữ có xu hướng kết hôn và sinh con muộn. Theo Tổng cục Thống kê, độ tuổi kết hôn ở nữ giới đã tăng từ 27,5 tuổi năm 2019 lên 29,8 tuổi năm 2022. Trong khi đó, độ tuổi mang thai và sinh nở được khuyến cáo là 20-30. Sau 35 tuổi, khả năng sinh sản giảm nhanh, việc có con gặp nhiều rào cản và tiềm ẩn nguy cơ như số lượng cùng chất lượng trứng giảm, sinh con dị tật...
Nhu cầu này tương đồng với xu hướng thế giới. Tại Anh, số ca trữ trứng tăng 64% từ năm 2019 đến 2021. Tại Mỹ, dữ liệu từ Hiệp hội Công nghệ Hỗ trợ Sinh sản cho thấy số phụ nữ đông lạnh trứng tăng gấp đôi trong 5 năm (2015-2020). Một chu kỳ đông lạnh trứng ở nước này chi phí khoảng 4.500 đến 8.000 USD, phí lưu trữ hơn 500 USD/năm - tương đương Australia. Phần lớn là người dự định làm mẹ đơn thân, độ tuổi trung bình 36.
Theo Future Market Insights, tổ chức phân tích thị trường có trụ sở tại Mỹ, thị trường trữ trứng toàn cầu năm 2023 dự kiến đạt 3,7 tỷ USD. Dự báo mức tăng trưởng trong 10 năm tới là 6%, đạt gần 6,3 tỷ USD.
Bác sĩ Thảo cho biết nhờ trữ đông trứng, phụ nữ có thể thụ thai, làm mẹ và sinh con khỏe mạnh dù đã qua ngưỡng tuổi phù hợp. Khi trữ đông, đồng hồ sinh học của trứng sẽ dừng lại thời điểm đó. Trứng được bảo quản trong môi trường nitơ lỏng -196 độ C, thời gian không giới hạn.
Khi cá nhân có nhu cầu sinh con, trứng được rã đông, sau đó thụ tinh trong ống nghiệm và cấy vào tử cung người mẹ. Hiện nay, tại một số trung tâm hỗ trợ sinh sản như IVFTA-HCMC, với công nghệ thủy tinh hóa, chất lượng trứng rã tương đương trứng tươi. Tỷ lệ noãn sống sau rã đông là 97%, gấp ba lần so với phương pháp cũ là đông lạnh chậm. Tỷ lệ thụ thai từ trứng rã đông lên tới 74%.
Phụ nữ càng lớn tuổi càng cần trữ nhiều trứng hơn. "Muốn đảm bảo chất lượng trứng và tỷ lệ sinh cao, tốt nhất nên đông lạnh trứng trước 35 tuổi", bác sĩ Thảo khuyến cáo.
Bệnh nhân ung thư hay mắc bệnh lý về buồng trứng, tử cung, cũng là nhóm có xu hướng bảo tồn khả năng sinh sản. Thời gian điều trị các bệnh lý này khá dài, phương pháp điều trị ảnh hưởng trực tiếp đến cơ quan sinh sản, làm tăng nguy cơ vô sinh.
"Trữ trứng là phương án bảo đảm cho bệnh nhân được làm mẹ sau khi phẫu thuật tại buồng trứng, hóa trị, xạ trị hay dùng liệu pháp ức chế hormone", bác sĩ Thảo nói.
Ngọc Thủy vừa phẫu thuật cắt khối u và đang chuẩn bị cho đợt hóa trị đầu tiên. "Cuộc chiến này không hề dễ dàng nhưng nghĩ đến tương lai, tôi lạc quan hơn", cô nói. Đám cưới vẫn diễn ra theo kế hoạch, vợ chồng cô dự định rã đông trứng để có con sau 5 năm tới.
Còn Stefani mong muốn có một đám cưới tại cả Việt Nam và Australia trước 40 tuổi. "Tôi có thể phải chờ đợi lâu hơn để tìm được người phù hợp, nhưng dự định 5 hay 10 năm nữa vẫn sinh con. Nếu người ấy không xuất hiện, tôi sẽ rã đông trứng và xin tinh trùng để làm mẹ đơn thân", cô cho biết.
Tuệ Diễm - Hoài Thương
* Tên nhân vật đã được thay đổi.
Độc giả có thể đặt câu hỏi tại đây để được bác sĩ giải đáp về vô sinh hiếm muộn.