Thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) là quá trình tách trứng và lấy mẫu tinh trùng sau đó kết hợp theo cách thủ công trong phòng thí nghiệm. Khi nữ giới chuẩn bị cho quá trình lấy trứng, cần lưu ý bảo vệ buồng trứng vì sau khi được tiêm thuốc kích thích rụng trứng, buồng trứng sẽ tăng kích thước và trở nên rất nhạy cảm, chỉ một hành động không chủ ý có thể gây ảnh hưởng không tốt..
Có nên tập thể dục khi làm IVF hay không còn phụ thuộc vào cường độ tập luyện và bạn đang ở trong giai đoạn nào của quá trình IVF. Trước hết, cần tham khảo ý kiến của các bác sĩ chuyên môn, bác sĩ điều trị về thói quen tập luyện để đảm bảo an toàn, không gây rủi ro cho quá trình điều trị.
Hầu hết chị em đang thực hiện chu trình IVF đều cần tránh các bài tập cường độ cao, thay vào đó, hãy chọn các bài tập nhẹ nhàng, có tác động thấp để giảm áp lực, căng thẳng. Theo Viện Sinh sản Mỹ, tập thể dục cường độ cao có thể khiến cơ thể bị căng thẳng về mặt thể chất, từ đó dẫn đến gây hại thậm chí dẫn đến tình trạng xoắn buồng trứng, điều này có thể gây khó khăn trong quá trình thực hiện IVF. Nếu đã quen với các bài tập cường độ cao (chẳng hạn như chạy, tập tạ, đạp xe và bất kỳ bài tập cường độ cao khác), hãy tạm dừng trong khoảng thời gian này.

Chị em nên tránh các bài tập cường độ cao khi làm IVF và thực hiện các động tác nhẹ nhàng như yoga, đi bộ... Ảnh: Pinterest
Ngoài việc tránh các bài tập cường độ cao, có một số thời điểm nhất định trong quá trình IVF, bạn cũng nên tránh tập thể dục hoàn toàn. Theo khuyến cáo, chị em nên tạm thời ngừng tập thể dục trong tuần lấy trứng và ngay sau khi chuyển phôi. Thời điểm lấy trứng, buồng trứng được tiêm kích trứng nên kích thước sẽ to ra và những hoạt động gắng sức có thể gây chảy máu hoặc xoắn buồng trứng. Một số phụ nữ có thể cảm thấy khó chịu một chút, mệt mỏi và đầy hơi trong thời gian này nhưng đây hoàn toàn là dấu hiệu bình thường và bạn có thể sẽ cảm thấy không muốn tập thể dục.
Mẹo tập thể dục trong chu trình IVF
Các bài tập thể dục được cho là an toàn cho IVF bao gồm: yoga, đi bộ, bơi lội và các động tác giãn cơ. Bạn cũng nên thiên về các bài tập giảm căng thẳng khác chẳng hạn như thiền, đọc sách hoặc dành nhiều thời gian hơn để thư giãn.
Trong khi tập luyện, nguyên tắc chung là không nên tập quá 4 giờ mỗi tuần. Nghiên cứu đăng trên Thư viện Y khoa Mỹ cho thấy, những phụ nữ duy trì thói quen tập thể dục từ 4 giờ trở lên mỗi tuần trong vòng 1-9 năm có khả năng có con thấp hơn 40%.
Việc uống nhiều nước trước, trong và sau khi tập luyện, thực hiện một chế độ ăn uống lành mạnh và cân bằng cũng là chìa khóa để duy trì năng lượng của bạn. Chị em cũng nên lưu ý, chăm sóc cơ thể nên là ưu tiên hàng đầu trong chu kỳ IVF.
Nếu tập thể dục sau IVF, hãy cảnh giác với bất kỳ hiện tượng chảy máu, chuột rút quá mức hoặc chóng mặt. Khi gặp những triệu chứng này, hãy ngừng tập thể dục ngay lập tức và thư giãn hoặc trao đổi với bác sĩ để biết thêm thông tin.
Tập thể dục khi đang thực hiện IVF không hẳn là xấu nhưng điều quan trọng bạn cần tránh những loại hình tập luyện nào, giai đoạn nào để giữ bản thân an toàn và khỏe mạnh nhất trong thời gian này.
Bảo Bảo (Theo Livestrong)