Trả lời:
Thai phụ dự sinh vào những ngày đầu năm thường có nhiều lo lắng như thiếu nhân viên y tế trực cấp cứu, dịch vụ sinh nở ngày Tết không đầy đủ như ngày thường... Một số gia đình còn giữ quan niệm tránh sinh con mùng 1 Tết vì sợ khó nuôi nên mong muốn sinh mổ chủ động sớm vài ngày.
Tuy nhiên, khi sinh mổ, sản phụ có nguy cơ biến chứng chảy máu, nhiễm trùng. Trong những lần sau, người mẹ có khả năng tụ dịch vết mổ khiến khó có thai hoặc vết mổ quá mỏng gây nứt, cơ hội sinh thường hạn chế.
Sau sinh mổ, sản phụ phải nằm viện lâu hơn, cho con bú cũng chậm hơn so với sản phụ sinh thường... Do đó, bác sĩ Sản khoa chỉ định sinh thường hay sinh mổ sau khi cân nhắc từng thai phụ cụ thể, không nên xuất phát từ ý muốn hay yêu cầu của gia đình.
Tại Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, dịp Tết bệnh viện đều bố trí đầy đủ ê kíp bác sĩ trực cấp cứu. Thay vì quá lo lắng khiến bạn căng thẳng thì nên suy nghĩ tích cực và chuẩn bị chu đáo mọi thứ.
Thai phụ nên chọn bệnh viện sinh, hoàn tất hồ sơ sinh, làm các xét nghiệm cần thiết từ tuần thứ 36 của thai kỳ.
Cơn chuyển dạ có thể xảy ra bất cứ lúc nào dù chưa đến ngày dự sinh. Bạn nên chuẩn bị sẵn túi đồ đi sinh, giấy tờ cần thiết như giấy khám thai, kết quả siêu âm, căn cước công dân, bản photo hộ khẩu, thẻ bảo hiểm y tế, thẻ bảo hiểm sức khỏe...
Dưới đây là các dấu hiệu báo hiệu chuyển dạ, thai phụ nên lưu ý để kịp thời di chuyển đến bệnh viện.
Cơn gò tử cung xuất hiện từ thưa thớt đến dồn dập: Ban đầu cơn gò có thể đau như chuột rút trong kỳ kinh nguyệt, sau đó mạnh hơn khi đến gần ngày sinh. Nếu mẹ bầu thấy cơn gò xuất hiện dồn dập, đều đặn và mạnh hơn, rất có thể mẹ bầu sắp hoặc đang chuyển dạ.
Đau lưng: Cơn đau bắt đầu từ lưng và di chuyển ra phía trước cơ thể. Thai phụ có thể bị chuột rút.
Vỡ ối: Nếu nhận thấy một dòng chất lỏng chảy xuống chân hoặc chỉ có một vài giọt rỉ ra từ âm đạo, thai phụ cần đến ngay bệnh viện.
Bật nút nhầy cổ tử cung: Để chuẩn bị cho quá trình sinh nở, cổ tử cung mềm và lớn hơn, nút nhầy chặn ở cổ tử cung nới lỏng và tụt ra ngoài. Nút nhầy có hình dạng như chất dịch tiết màu hồng hoặc nâu, đặc như cục máu đông trong kỳ kinh nguyệt.
Cổ tử cung mở từ từ: Cổ tử cung mỏng đi, mở lớn hơn để tạo điều kiện cho thai nhi di chuyển ra ngoài. Nếu bác sĩ thông báo cổ tử cung mở 2 cm, 4 cm... là lúc thai phụ chính thức bước vào quá trình sinh con. Thai phụ có thể bắt đầu rặn sinh khi cổ tử cung giãn ít nhất 10 cm.
Sau khi sinh con, sản phụ cần duy trì chế độ dinh dưỡng khoa học, bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cần thiết giúp cơ thể sớm hồi phục, có sữa cho con bú.
BS.CKII Lê Thanh Hùng
Phó khoa Sản, Trung tâm Sản Phụ khoa
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM