Trả lời
Trẻ đang ăn dặm có thận chưa phát triển đầy đủ, do đó khả năng đào thải muối kém. Việc nêm nếm quá nhiều muối ảnh hưởng chức năng thận của trẻ, lâu dài gây tăng huyết áp, bệnh tim mạch. Một số nghiên cứu chỉ ra trẻ ăn quá nhiều muối (natri) có thể bị tổn thương bộ não.
Ăn muối cũng không giúp trẻ hấp thụ canxi, xương chắc khỏe hơn hoặc giữ vững đầu hơn. Ngược lại, khi dư thừa natri, cơ thể trẻ mất cân bằng nước, làm tăng nguy cơ đào thải natri dư thừa theo nước tiểu, khiến bé thiếu canxi, giảm phát triển chiều cao. Ngoài ra, ăn mặn khiến bé biếng ăn, mệt mỏi nhiều hơn.
Bên cạnh đó, trẻ ở tuổi này có nhu cầu về muối rất ít, thức ăn hàng ngày đã chứa đủ lượng muối cần thiết, ví dụ sữa, trứng, thịt, rau tươi. Chế độ ăn thiếu hoặc thừa muối (natri) đều ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của trẻ. Do đó, khi chế biến thức ăn dặm cho trẻ dưới 1 tuổi, gia đình không nên cho muối.
Gia đình có thể tham khảo bảng dưới đây để biết nhu cầu về muối ở trẻ do Bộ Y tế khuyến nghị:
Nhóm tuổi |
Natri (mg/ngày) |
Muối (g/ngày) |
0-5 tháng |
100 |
0,3 |
6-11 tháng |
600 |
1,5 |
1-2 tuổi |
<900 |
2,3 |
Thức ăn dặm cho bé nên giàu dinh dưỡng để cơ thể trẻ phát triển. Gia đình nên cho bé ăn từ ít đến nhiều, ví dụ 1-3 bữa đầu tiên cho bé ăn ít thức ăn, tăng lượng ăn dần dần để bé làm quen với thức ăn mới.
Thời gian đầu, khi bé tập ăn dặm, gia đình nên cho bé ăn các thức ăn dễ tiêu hóa như cháo, rau và các loại rau, quả. Từ 9-11 tháng, trẻ cần được ăn đủ 4 nhóm gồm gạo, thịt, trứng, cá, tôm, cua, rau củ. Từ 1 tuổi trở lên, trẻ có thể ăn gia vị, tuy nhiên lượng muối không quá 1 g/ngày.
Gia đình nên tập cho bé ăn nhạt để đảm bảo sức khỏe sau này. Khi người lớn nếm đồ ăn dặm của trẻ thấy vừa miệng của mình có nghĩa là sẽ mặn hơn so với trẻ, vì vậy hãy nêm thức ăn nhạt hoặc không nêm muối. Nếu muốn thức ăn có vị, gia đình có thể kết hợp một chút phô mai.
Ngược lại, gia đình cũng không nên cho trẻ ăn cháo ngọt để tránh ảnh hưởng sức khỏe; tránh các thức ăn quá cứng, dai hoặc có thể gây nghẹn, hóc. Khi chế biến thức ăn dặm, mọi người không dùng dầu mỡ thông thường, nên dùng các dầu thực vật dành riêng cho trẻ như dầu óc chó, dầu hạt cải, dầu olive... Bé nên ngồi ăn chung với cả gia đình để học cách ăn uống, gắp đồ ăn, nhai kỹ thức ăn.
ThS.BS Nguyễn Anh Duy Tùng
Trung tâm Thông tin Y khoa
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM