Trả lời:
Gan nhiễm mỡ là tình trạng tích tụ chất béo trong tế bào gan, có thể gây viêm hoặc không. Tùy lượng chất béo tích tụ trong gan, bệnh được chia thành ba mức độ. Gan nhiễm mỡ độ một, hai và ba với mỡ trong gan lần lượt là 5-10%, 10-25%, 30% trọng lượng gan.
Nguyên nhân nhiễm mỡ gan thường gặp nhất là do bia rượu, chất cồn. Bệnh khởi phát từ rối loạn chuyển hóa như béo phì, tiểu đường, tăng lipid máu hoặc lối sống không khoa học dẫn đến ứ đọng chất béo, glycogen ở gan.
Gan nhiễm mỡ giai đoạn đầu chưa ảnh hưởng nhiều đến chức năng của gan. Theo thời gian, bệnh phát triển thành viêm gan, xơ gan, ung thư gan. Thay đổi lối sống sinh hoạt, chế độ dinh dưỡng giúp phòng ngừa, cải thiện chỉ số mỡ.
Thịt gà chứa hàm lượng dinh dưỡng cao, gồm protein, khoáng chất và vitamin. Tùy theo bộ phận như ức, má đùi, đùi, cánh và cách chế biến, lượng chất béo hấp thu vào cơ thể khác nhau.
Ví dụ, đùi gà, cánh gà, da gà chiên có chất béo bão hòa cao, làm tăng cholesterol máu. Trong 100 g ức gà có khoảng 165 calo, 80% đạm, 20% chất béo. Đùi gà chỉ có 55% đạm, 45% chất béo. Cholesterol trong 100 g ức gà là 73 mg, đùi gà là 98 mg.
Người bệnh gan nhiễm mỡ nên ăn ức gà vì nhiều chất đạm, ít chất béo. Hạn chế ăn da gà do chất béo, cholesterol cao.
Thịt vịt có giá trị dinh dưỡng cao, 100 g cung cấp 140 calo, 25 g protein, các chất dinh dưỡng như canxi, lipid, protid, phốt pho, kẽm, magie, đồng, vitamin B, A, E, K.
Lượng chất béo trong thịt vịt tương đối cao, thường ở giữa lớp da và thịt. Đây là chất béo không bão hòa, ít có khả năng tích mỡ ở gan. Người bệnh nên ăn vừa đủ (1-2 bữa một tuần), tránh quá thường xuyên, hạn chế da vịt, ưu tiên phần thịt nạc, ức vịt.
Bạn bị gan nhiễm mỡ mức độ nhẹ, có thể ăn thịt gà, vịt, chọn thêm thực phẩm lành mạnh khác như cá, đậu phụ, rau xanh, cà phê, bột yến mạch. Hạn chế đồ chiên rán, giảm đường, tinh bột, thức ăn nhanh, không sử dụng rượu bia, nước ngọt có ga, thuốc lá.
Bạn cần vận động 30-60 phút mỗi ngày, với các môn phù hợp như chạy bộ, bơi lội, yoga, đạp xe đạp. Khám bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa định kỳ để theo dõi diễn tiến bệnh.
ThS. BS Lê Minh Thùy
Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật nội soi tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Độc giả có thể đặt câu hỏi về bệnh tiêu hóa tại đây để được bác sĩ giải đáp.