Trả lời:
Nước muối sinh lý là dung dịch chứa natri clorua ở nồng độ 0,9%, an toàn, phù hợp để rửa mắt, chăm sóc da, vệ sinh rốn cho trẻ sơ sinh.
Mắt trẻ mới sinh ra có dịch từ cơ thể mẹ cần được rửa sạch sẽ. Với trẻ bình thường, phụ huynh chỉ cần vệ sinh bằng nước sạch, đúng cách bằng bông gòn dùng một lần, lau từ góc trong mắt ra ngoài, một vị trí chỉ lau qua một lần.
Trẻ sơ sinh thường có hiện tượng tiết dử mắt (dịch hơi quánh, dính) do ống lệ - tị (dẫn nước mắt xuống mũi) bị hẹp nhẹ. Trẻ ngủ nhiều, ít chớp mắt nên lượng nước mắt tiết ra để làm sạch niêm mạc mắt bị ít, dẫn đến trẻ hay bị tiết dịch (dử) mắt. Những trường hợp này có thể sử dụng nước muối sinh lý để vệ sinh, làm sạch mắt cho trẻ, ngày 3 lần như cách bạn đang thực hiện.
Tuy nhiên, một số trường hợp trẻ viêm nặng, xuất tiết nhiều dử mắt, kèm theo trẻ sưng nề kết mạc mắt, có thể liên quan các bệnh lý nhiễm khuẩn khác. Lúc này, phụ huynh cần đưa trẻ đi khám. Sử dụng nước muối sinh lý để rửa mũi hàng ngày cho trẻ sơ sinh không được khuyến cáo. Nước muối sinh lý chỉ sử dụng khi trẻ gặp vấn đề như viêm nhiễm đường hô hấp, sổ mũi, ngạt mũi hoặc mũi có nhiều chất nhầy.
Rửa mũi bằng nước muối sinh lý thường xuyên khi bình thường có thể làm mất đi lớp dịch tự nhiên khiến mũi khô rát, kích ứng, chảy nước mũi, thậm chí viêm. Nếu rửa mũi không đúng cách cho trẻ sơ sinh có thể gây đau, chảy máu, làm tăng nguy cơ viêm tai giữa. Vì vậy, sử dụng nước muối sinh lý để rửa mũi cho trẻ chỉ nên thực hiện ở cơ sở y tế do người có chuyên môn thực hiện.
Nước muối sinh lý dùng cho trẻ sơ sinh thường là dạng lọ nhỏ 10 ml, đảm bảo tiêu chuẩn về độ vô khuẩn cao, nhất là nước muối nhỏ mắt. Cha mẹ chọn lọ nước muối sinh lý đầu bo tròn tránh gây trầy xước niêm mạc mũi trẻ. Sử dụng sản phẩm không có đăng ký hoặc tự pha có thể dẫn đến nguy cơ nhiễm bệnh do mầm bệnh. Phụ huynh lưu ý theo dõi phản ứng của trẻ khi nhỏ mắt mũi.
ThS.BS Nguyễn Thu Vân
Trung tâm Sơ sinh
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh trẻ em tại đây để bác sĩ giải đáp |