Trả lời:
Trứng gà và các loại trứng khác chứa nhiều chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất như vitamin nhóm B, D, canxi, kẽm... rất có lợi cho sức khỏe. Chất béo lành mạnh - omega 3 trong thực phẩm này còn giúp trẻ nhỏ phát triển trí não và cải thiện trí nhớ.
Ăn trứng gà không gây ho hay khiến ho nặng thêm mà còn góp phần tăng cường sức đề kháng cho cơ thể, hỗ trợ chống lại bệnh tật. Người trưởng thành khỏe mạnh có thể ăn tối đa một quả trứng mỗi ngày, tốt hơn chỉ nên khoảng 3-4 quả trứng mỗi tuần.
Trẻ nhỏ ăn trứng với lượng phù hợp theo độ tuổi. Trẻ 6-7 tháng tuổi nên ăn một nửa lòng đỏ trứng trong bữa, ăn 2-3 lần một tuần. Trẻ 8-12 tháng tuổi có thể ăn một lòng đỏ trong một bữa, ăn 3-4 bữa trứng trong tuần. Trẻ 1-2 tuổi nên ăn 3-4 quả trứng một tuần và ăn cả lòng trắng. Trẻ từ 2 tuổi trở lên có thể ăn một quả mỗi ngày.
Một số người cho rằng khi cảm sốt nên hạn chế ăn trứng gà. Sở dĩ như vậy là vì trứng gà có chứa nhiều chất đạm, chủ yếu là nhóm chất đạm có thành phần đơn giản nên cơ thể dễ hấp thu và tạo ra nhiệt lượng cao. Cơ thể đang cảm sốt, thân nhiệt cao hơn bình thường nếu ăn nhiều trứng gà có thể khiến nhiệt độ tăng nhanh hơn, sốt lâu khỏi hơn. Quan niệm này không đúng, sốt là do quá trình điều hòa nhiệt của cơ thể bị rối loạn, khi cơ thể lành bệnh thì thân nhiệt sẽ về bình thường. Trứng không làm cho cơ thể lâu lành bệnh hơn. Ngoài ra còn một lý do trứng có hàm lượng chất béo cao có thể khiến trẻ dễ bị đầy bụng, khó tiêu, rối loạn tiêu hóa... nếu tiêu thụ quá nhiều.
Nếu trẻ bị thừa cân, béo phì cũng nên hạn chế trứng gà vì trứng có lượng cholesterol và chất béo cao. Người mắc các bệnh lý về gan chỉ nên ăn khoảng 2-3 quả một tuần. Vì hàm lượng cholesterol cao trong trứng gà (khoảng 200 mg cholesterol) không tốt cho gan. Cách ăn trứng tốt nhất là lượng vừa phải, ăn cùng các loại rau củ quả, cân bằng với các nhóm chất hàng ngày.
Nếu con chị không có các tình trạng sức khỏe kể trên cần hạn chế trứng, chị có thể chế biến trứng thành nhiều món bồi bổ cho bé như cháo trứng, trứng đúc thịt, trứng sốt chua ngọt...
Ho là một phản xạ tự nhiên của cơ thể giúp loại bỏ các chất gây kích ứng ra khỏi đường hô hấp. Trong các trường hợp ho kéo dài trên hai tuần không tự khỏi, có thể là dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh khác nhau. Trường hợp con của chị ho nhiều do viêm họng thì nên thăm khám hoặc tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ để được điều trị phù hợp. Trường hợp ho nhiều còn có thể do viêm phế quản, viêm phổi... nên cũng cần lưu ý. Chị nên cho bé đánh răng hàng ngày, súc họng thường xuyên để cải thiện tình trạng viêm họng.
Bên cạnh đó, để tăng cường sức khỏe, mau chóng khỏi bệnh, chị cho bé ăn đa dạng thực phẩm, cân bằng các nhóm chất, vận động thường xuyên, hạn chế thức khuya... Gia đình có thể đưa vào thực đơn hàng ngày các thực phẩm có tác dụng tăng cường miễn dịch cho cơ thể như cá, quả mọng, cam quýt...
ThS.BS Nguyễn Anh Duy Tùng
Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome