Sỏi thận xảy ra khi khoáng chất và các chất khác trong máu, nước tiểu kết tinh trong thận, tạo thành khối rắn. Các loại sỏi phổ biến thường được tạo thành từ canxi, axit uric hoặc oxalate. Chúng hình thành bên trong thận và có thể di chuyển đến các bộ phận khác của đường tiết niệu như niệu quản, bàng quang.
BS.CKII Ngô Đồng Dũng, Khoa Thận học - Lọc máu, Trung tâm Tiết niệu - Thận học - Nam khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, cho biết chuối là thực phẩm có thể bổ sung vào chế độ ăn hàng ngày cho người sỏi thận hoặc muốn phòng bệnh.
Chuối cung cấp vitamin B6 dồi dào, giúp tăng sản xuất hồng cầu, chuyển hóa axit amin và loại bỏ các hợp chất hóa học không tốt khỏi gan, thận. Một quả chuối cỡ trung bình có thể cung cấp 1/4 nhu cầu vitamin B6 hàng ngày.
Chuối cũng rất giàu kali đóng vai trò quan trọng trong quản lý lượng canxi bài tiết khỏi cơ thể. Nếu bài tiết một lượng lớn canxi, oxalate thừa có thể tồn tại trong cơ thể và làm tăng nguy cơ phát triển sỏi thận canxi oxalate. Kali trong chuối có thể giúp ngăn ngừa sỏi thận bằng cách cân bằng hàm lượng canxi và oxalate trong cơ thể. Kali cũng có thể cân bằng độ axit trong nước tiểu.
Một quả chuối chứa khoảng 320-400 mg kali, khoảng 1/10 nhu cầu hàng ngày của mỗi người.
Ngoài phần quả, thân và hoa chuối cũng có thể giảm đau và ngăn ngừa sỏi thận trầm trọng hơn. Thân cây chuối rất giàu magiê và kali. Magiê kết hợp dễ dàng với oxalate trong thực phẩm tiêu thụ hàng ngày, hỗ trợ ngăn chặn hình thành sỏi canxi oxalate.
Thân chuối còn chứa nhiều chất xơ, sắt, canxi và các chất có lợi khác, có tác dụng lợi tiểu, chống oxy hóa và giúp giải độc thận. Nước ép thân chuối hỗ trợ giảm và trị sỏi thận canxi oxalate, axit uric bằng cách hòa tan chúng.
Người bị sỏi thận không bớt ngay cả sau khi ăn chuối thường xuyên thì nên đi khám sớm. Trường hợp sỏi có kích thước nhỏ hoặc trung bình, bác sĩ có thể kê một số loại thuốc và yêu cầu người bệnh tăng lượng nước uống để hỗ trợ đào thải sỏi qua nước tiểu trong vòng 4-6 tuần.
Với viên sỏi lớn 1 cm và không quá cứng, bác sĩ có thể tán sỏi ngoài cơ thể để hạn chế tối đa nguy cơ can thiệp xâm lấn. Trường hợp sỏi có kích thước từ 2 cm trở lên, phương pháp điều trị có thể là mổ nội soi hoặc mổ mở.
Theo bác sĩ Dũng, có thể phòng nguy cơ sỏi thận bằng chế độ ăn uống lành mạnh như uống nhiều nước, giảm lượng muối, chất béo và đường tiêu thụ. Mỗi ngày chỉ nên ăn 2-3 khẩu phần thực phẩm giàu canxi như sữa, phô mai, sữa chua, hàu và đậu phụ.
Nên hạn chế thực phẩm chứa oxalate như củ cải đường, rau cải bó xôi, trà, cà phê... Ăn không quá 85 g thịt đỏ mỗi bữa ăn, ưu tiên thịt nạc. Thịt đỏ chứa nhiều purin, có thể chuyển hóa thành axit uric trong nước tiểu, gây kết tinh sỏi thận. Đồ uống chứa nhiều purin như rượu, bia hay chứa hàm lượng phốt phát cao như soda cũng cần tránh.
Người có thận yếu hoặc suy thận mạn nên tránh trái cây và rau quả chứa nhiều kali như chuối. Lúc này, thận bị tổn thương khiến khả năng đào thải kali qua nước tiểu suy giảm, có thể dẫn đến tình trạng tăng kali trong máu, gây yếu cơ, rối loạn nhịp tim và ngưng tim.
Anh Ngọc