Ngày 7/9, ca phẫu thuật được truyền trực tiếp từ phòng mổ đến hội trường Viện Nghiên cứu Tâm Anh (TAMRI), Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM - nơi diễn ra hội nghị - với sự chứng kiến và bình luận của hơn 20 chuyên gia quốc tế.
Bệnh nhân (quê Bà Rịa - Vũng Tàu) tiền sử mổ lấy sỏi thận 30 năm trước, nay thận trái nhiều sỏi với viên kích thước lớn nhất 2,3 cm. Các bác sĩ khoa Tiết niệu, Trung tâm Tiết niệu - Thận học - Nam khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, hội chẩn quyết định phẫu thuật nội soi tán sỏi cho bệnh nhân để tránh sỏi rơi xuống niệu quản gây cơn đau bão thận. Cơn đau bão thận xảy ra do sỏi thận gây tắc nghẽn đường tiểu, mức độ đau dữ dội, không báo trước và khó kiểm soát.
Bệnh nhân được đặt ống thông tiểu (sonde JJ) ở hai niệu quản cách đây khoảng một tháng nhằm làm rộng niệu quản, dễ dàng đưa ống soi mềm lên thận.
Quá trình mổ thị phạm, qua màn hình hệ thống phẫu thuật nội soi, ê kíp thấy rõ các viên sỏi màu xám, nâu sậm nằm trong đài bể thận bệnh nhân. ThS.BS Nguyễn Tân Cương chọn mức sóng phù hợp để tán từng viên sỏi thành các mảnh vụn nhỏ. Trong khi đó, BS.CKI Phan Huỳnh Tiến Đạt liên tục bơm nước muối sinh lý vào đài thận, thông qua đường dẫn nội soi nhằm đảm bảo đài thận trái ngập nước, giúp hiện thị rõ sỏi trên màn hình, bác sĩ thao tác thuận lợi.
Bác sĩ Tiến Đạt đánh giá "cuộc mổ tốt". Các mảnh vụn sỏi được đào thải tự nhiên ra ngoài theo đường tiểu. Dự kiến người bệnh xuất viện sau 24 giờ. Người bệnh được đặt ống sonde JJ mới trong khoảng một tháng nhằm giúp niệu quản lành lại và sỏi vụn trong quá trình đào thải không làm tắc, đau niệu quản.
Theo bác sĩ Tiến Đạt, tán sỏi thận bằng ống nội soi mềm có thể áp dụng cho bệnh nhân bị sỏi niệu quản đoạn 1/3 trên hoặc sỏi trong thận dưới 2,5 cm. Phương pháp này đang được áp dụng trên thế giới nhờ ưu điểm ít xâm lấn, thời gian hồi phục nhanh, giúp người bệnh sớm trở lại cuộc sống. Ứng dụng hệ thống nội soi, hệ thống tán sỏi bằng laser... vào quá trình phẫu thuật giúp người bệnh có thể loại bỏ sỏi hiệu quả, không cần mổ hở.
"Ca phẫu thuật rất ấn tượng", giáo sư, tiến sĩ Bernard Malavaud, Chủ tịch Hội đồng thành viên Hiệp hội Tiết niệu châu Âu (EAU) nói, thêm rằng điều làm nên thành công cho ca mổ là kinh nghiệm của bác sĩ và sự phối hợp chặt chẽ của ê kíp.
Đây là một trong ba ca mổ thị phạm tại Hội nghị Tiết niệu Đông Nam Á 2023, ngày 7-9/9. Hội nghị do Hội Tiết niệu Thận học TP HCM (HUNA) phối hợp Hội Tiết niệu Thận học Việt Nam (VUNA) tổ chức. Mục đích của các ca mổ thị phạm nhằm tạo chủ đề trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, điều trị hiệu quả cho người bệnh.
Theo các chuyên gia, Việt Nam hiện nằm trong "vành đai sỏi" trên thế giới, nhu cầu điều trị sỏi cao. Nghiên cứu năm 2018 của Đại học Y Quảng Châu, Đại học Tứ Xuyên (Trung Quốc), người dân khu vực châu Á bị sỏi cao nhất thế giới, với tỷ lệ 5-19,1%, trong đó sỏi thận chiếm 40%.
Huyền My