"Tôi từng nghĩ mình không còn cơ hội làm mẹ", chị Ngô Thị Hiền Châm, 39 tuổi, nói khi ôm con gái hai tuần tuổi trong tay, ngày 2/5.
Chị Châm cùng chồng khám sức khỏe tiền hôn nhân năm 2010 kết quả bình thường. Thế nhưng ba năm sau kết hôn họ vẫn chưa có con, điều trị hiếm muộn tại nhiều bệnh viện, một lần làm thụ tinh nhân tạo (IUI) thất bại.
Vợ chồng sang Thái Lan thụ tinh ống nghiệm (IVF), tạo được nhiều phôi chất lượng tốt song 6 lần chuyển phôi thất bại không rõ nguyên nhân. Theo chị Châm, chi phí cho một chu kỳ IVF tại Thái Lan, bao gồm sàng lọc phôi, khoảng 600 triệu đồng, gấp 4 lần so với ở Việt Nam. Với các trường hợp dự trữ buồng trứng thấp, phải gom trứng, chi phí tăng thêm khoảng 100 triệu.
Suốt 3 năm qua lại điều trị giữa hai nước, đến 2018, họ tốn hàng tỷ đồng. Bất đồng ngôn ngữ, bác sĩ khó giải thích tư vấn cặn kẽ từng giai đoạn điều trị, vợ chồng quyết định về Việt Nam điều trị để tiết kiệm chi phí.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Lệ Thủy, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội (IVF Tâm Anh), phát hiện chị Châm ứ dịch vòi tử cung trái, polyp buồng tử cung, chỉ định mổ soi buồng tử cung cắt polyp, cắt vòi tử cung trái kết hợp nội soi ổ bụng tạo hình vòi tử cung phải. Theo bác sĩ Thủy, chị còn một bên vòi trứng, cơ hội mang thai tự nhiên khoảng 70%.
Ba tháng sau, chị Châm bất ngờ có thai nhưng làm tổ ngoài tử cung. Chị phải mổ cắt vòi trứng còn lại, mất hoàn toàn khả năng thụ thai tự nhiên.
Gần cuối năm 2018, chị Châm được kích trứng để IVF, tạo được 8 phôi chất lượng tốt nhưng tiếp tục chuyển phôi hai lần thất bại không rõ nguyên nhân. Chị thất vọng, dừng điều trị, nghỉ ngơi để ổn định sức khỏe, giải tỏa căng thẳng.
Khi tâm lý thoải mái hơn nhờ gia đình và bác sĩ khích lệ, vợ chồng trở lại hành trình IVF vào tháng 8/2023. Theo bác sĩ Lệ Thủy, có nhiều nguyên nhân dẫn đến thất bại làm tổ nhiều lần, phổ biến là do chất lượng phôi, bất thường tại buồng tử cung, sự tương tác giữa phôi và niêm mạc tử cung...
Ngoài ra, yếu tố tâm lý cũng ảnh hưởng trực tiếp tới quá trình điều trị vô sinh hiếm muộn và tỷ lệ thụ thai thành công. Sự lo lắng, mất tự tin có thể làm bệnh nhân do dự, không tuân thủ phác đồ hoặc từ bỏ, từ đó ảnh hưởng kết quả điều trị, tăng gánh nặng tài chính. Ước tính, tỷ lệ mắc vấn đề tâm lý ở các cặp vợ chồng vô sinh lên đến 60%.
Bác sĩ Thủy giải thích tâm lý căng thẳng có thể ảnh hưởng đến cân bằng nội môi miễn dịch ở bề mặt tiếp xúc giữa mẹ với thai nhi, và khả năng tiếp nhận của nội mạc tử cung thông qua mạng lưới tâm lý - thần kinh - miễn dịch - nội tiết. Từ đó ảnh hưởng đến sự tăng sinh, xâm lấn và tái tạo mạch máu của nguyên bào nuôi phôi, ức chế khả năng làm tổ của phôi, giảm tỷ lệ chuyển phôi thành công. Kết quả chuyển phôi thất bại nhiều lần càng làm trầm trọng tâm lý của người bệnh, gây nên vòng xoắn bệnh lý.
Bác sĩ Thủy cho biết thông thường thời gian điều trị vô sinh hiếm muộn kéo dài khoảng 1-2 năm. Tỷ lệ chuyển phôi thất bại 3 lần liên tiếp ở các cặp vợ chồng điều trị hiếm muộn trên thế giới chỉ dưới 5%. Trường hợp vô sinh 14 năm, chuyển phôi thất bại liên tiếp 8 lần như chị Châm hiếm gặp.
Lần này, bác sĩ lên phác đồ tiếp cận cá nhân hóa, điều trị phù hợp với nhu cầu và trải nghiệm của chị Châm. Sau quá trình chuẩn bị niêm mạc, chị Châm được chuyển một phôi ngày 5 vào buồng tử cung, đậu thai đôi, một thai sau đó ngừng phát triển. Chị ốm nghén nhiều, liên tục nằm viện, có lần cấp cứu vì sốt cao, nhau tiền đạo, dây rốn bám màng.
Tháng 4/2024, bé gái sinh mổ ở tuần thai 37, nặng 3,2 kg. "14 năm chờ đợi quá dài, may mắn tôi đã không bỏ cuộc và được làm mẹ", chị Châm nói.
Theo bác sĩ Lệ Thủy, người bệnh điều trị IVF ở Việt Nam gặp nhiều thuận lợi hơn so với ra nước ngoài. Các bác sĩ Việt Nam áp dụng kỹ thuật mới, phác đồ hiện đại, chất lượng chuyên môn và dịch vụ tương đương, trong khi chi phí thấp hơn các nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore. Người bệnh cũng không gặp rào cản ngôn ngữ, dễ dàng trao đổi nguyện vọng, chia sẻ khó khăn với bác sĩ, được hỗ trợ tốt hơn về mặt tâm lý.
Tại IVF Tâm Anh, 70% trường hợp là bệnh nhân lớn tuổi, vô sinh lâu năm, tiền sử sản khoa nặng nề hoặc nhiều bệnh lý phức tạp. Mỗi năm, trung tâm tiếp nhận và điều trị cho hàng trăm trường hợp vợ chồng từng chữa vô sinh ở nước ngoài thất bại. Tỷ lệ thành công trung bình của một chu kỳ IVF khoảng 68,5%. Với cặp đôi từ 28-35 tuổi, tỷ lệ này đạt trên 70%.
Trịnh Mai
Độc giả gửi câu hỏi về vô sinh hiếm muộn tại đây để bác sĩ giải đáp |