"Con trai đến với vợ chồng tôi như một điều kỳ diệu", chị Lê Thị Ngọc Vân (ngụ TP HCM) nhớ lại khoảnh khắc cách đây hai tuần.
Mải theo sự nghiệp, đến 43 tuổi, chị Vân mới kết hôn. Trong khi bạn bè đã bế cháu, vợ chồng chị bắt đầu hành trình "tìm con". Sau 6 tháng không thấy tin vui, tháng 4/2021, họ đến Trung tâm Hỗ trợ Sinh sản, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM (IVFTA-HCMC) thăm khám.
Kết quả siêu âm buồng trứng cho thấy chị Vân còn noãn để thụ tinh ống nghiệm (IVF), nhưng buồng tử cung có khối nhân xơ 10 cm. Nếu mổ nhân xơ, chị cần ít nhất 6 tháng sau mới hồi phục và có thể chuyển phôi. Độ tuổi của bệnh nhân đã quá lớn, trì hoãn càng giảm tỷ lệ có con.
Các bác sĩ khoa Sản nhanh chóng phẫu thuật bóc nhân xơ. Một tháng sau, chị được kích thích buồng trứng, gom noãn, tạo phôi nhưng tất cả đều phân chia bất thường.
Nửa năm sau, chị Vân quay lại với hành trình IVF nhưng kết quả xấu hơn lần trước. Trong 7 noãn thu được chỉ 4 noãn trưởng thành nhưng không thụ tinh thành công. Lần IVF thứ ba vào tháng 7/2022, toàn bộ noãn đều không phát triển. Bác sĩ đề cập khả năng phải xin trứng mới có thể có con, nhưng chị Vân từ chối, muốn cố gắng thêm lần nữa.
Chỉ một tháng sau, chị bước vào chu kỳ IVF thứ tư. ThS.BS Giang Huỳnh Như, Giám đốc IVFTA-HCMC, cho biết có bao nhiêu phương tiện và kỹ thuật tốt nhất đều sử dụng cho bệnh nhân.
Bác sĩ nuôi được 8 noãn trưởng thành, trong đó có hai noãn non được áp dụng kỹ thuật nuôi trưởng thành trong ống nghiệm (IVM). Toàn bộ noãn được thụ tinh và nuôi trong hệ thống tủ nuôi cấy phôi có trang bị camera quan sát liên tục tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) để theo dõi mọi biến động, phát hiện bất thường quá trình phát triển.
Kết quả chị có được 4 phôi. Ở lần chuyển phôi đầu tiên, chị Vân một lần nữa thất bại do sẹo trong buồng tử cung sau bóc nhân xơ. Ở lần thứ hai, chị được chuẩn bị nội mạc tử cung tốt và đậu thai.
Ngày 8/7/2023, bé trai 4,1 kg chào đời khỏe mạnh bằng phương pháp sinh mổ. Tất cả các nguy cơ ở một sản phụ lớn tuổi từ tiền sản giật, đái tháo đường thai kỳ, viêm ống cổ tay sớm được kiểm soát. Khi được da kề da với con, chị bật khóc. "Tôi từng tuyệt vọng vì nguy cơ phải xin trứng. Lúc con trai chào đời, tôi vẫn chưa dám tin đã có một đứa con của chính mình", chị kể.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tuổi mãn kinh trung bình của phụ nữ là 51. Khi đó, họ không còn khả năng sinh sản bằng noãn của chính mình. Trong 10 năm trước thời điểm mãn kinh, việc thụ thai bắt đầu gặp khó khăn. Ở độ tuổi 40, khoảng 75% số noãn của nữ giới gặp bất thường về nhiễm sắc thể, làm giảm cơ hội thụ thai, tăng nguy cơ sẩy thai.
Các nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ có thai của phụ nữ trong độ tuổi 40 chưa đến 5% mỗi tháng, từ 45 đến 49 tuổi tỷ lệ này giảm còn 1%. Các lựa chọn điều trị của họ tương tự những người ở độ tuổi 20 và 30, dù tỷ lệ thành công thấp hơn đáng kể. Ví dụ, ở tuổi 44, tỷ lệ mang thai của phụ nữ bằng phương pháp IVF là chưa đến 10%. Phụ nữ làm mẹ trong độ tuổi từ 40 trở đi cũng đối diện nhiều nguy cơ như sinh con mắc hội chứng Down hoặc các bất thường nhiễm sắc thể.
Bác sĩ Huỳnh Như khuyến cáo phụ nữ lớn tuổi chưa có con và mong muốn được làm mẹ nên được khám sức khỏe sinh sản toàn diện và IVF càng sớm càng tốt giúp tăng tỷ lệ mang thai mà không phải xin trứng.
Hoài Thương
*Tên bệnh nhân đã được thay đổi