Con trai chị Liên, bé Sóc, hiện 10 tháng tuổi, là "quả ngọt" từ trứng hiến tặng kết hợp với tinh trùng của chồng chị. "Bé là tài sản quý giá nhất của tôi sau 8 năm vô sinh", chị nói hôm 3/6.
Chị Liên bị bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia) thể nặng nhất, phải truyền máu thải sắt định kỳ mỗi tháng, cắt lá lách từ lúc 5 tuổi, đồng thời mắc viêm gan C. Bệnh tình khiến buồng trứng của chị sớm suy kiệt, mãn kinh và lão hóa ở tuổi 30, tử cung teo nhỏ như bé gái chưa dậy thì.
Đến 40 tuổi, sau kết hôn 7 năm và 10 năm mãn kinh, vợ chồng chị quyết định xin trứng để thụ tinh ống nghiệm (IVF) bởi không còn cách khác.
Được ThS.BS.CKI Phạm Thị Bảo Yến, Trung tâm Hỗ trợ Sinh sản, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM (IVF Tâm Anh TP HCM) tư vấn quy trình, chị Liên nhờ người bạn thân hiến trứng. Vợ chồng chị và người hiến trứng được tư vấn tâm lý, khám sức khỏe kỹ càng. Quy trình hiến trứng, thụ tinh ống nghiệm diễn ra thuận lợi, tạo được 7 phôi ngày 5 chất lượng tốt, trữ đông.
Chị Liên còn bị u mạch máu gan, tiểu đường, men gan tăng, độ lọc cầu thận suy giảm. Bác sĩ Yến cho biết hỗ trợ sinh sản và nuôi dưỡng thai kỳ an toàn cho chị khó gấp 10 lần phụ nữ chỉ mắc một bệnh lý. Trong 4 tháng liên tục, chị được bác sĩ Yến điều trị nuôi tử cung phát triển, tăng kích thước nội mạc tử cung như phụ nữ bình thường để chuyển phôi. Chị đậu thai ở lần thứ hai chuyển phôi vào tử cung.
Suốt thai kỳ, chị được chăm sóc chặt chẽ tại Trung tâm Sản Phụ khoa. Cuối tháng 8 năm ngoái, bé trai chào đời khỏe mạnh bằng phương pháp mổ lấy thai. "Con trai là điểm tựa tinh thần giúp tôi vượt qua bệnh tật", chị Liên nói.
Tương tự, chị Hiền, 36 tuổi, ngụ Sóc Trăng, mất kinh sau tuổi dậy thì, uống thuốc không cải thiện. Kết hôn 5 năm không có thai, vợ chồng chị Hiền đi khám, phát hiện suy buồng trứng sớm, siêu âm trên hai buồng trứng teo nhỏ, không còn nang trứng.
Phương án cuối cùng là xin trứng của người khác để thụ tinh ống nghiệm. Vợ chồng chị đến IVF Tâm Anh TP HCM bắt đầu quy trình xin trứng để sinh con.
Bác sĩ Phạm Thị Mỹ Tú cho biết bệnh nhân vô sinh do suy buồng trứng sớm, xét nghiệm di truyền ghi nhận bất thường nhiễm sắc thể giới tính và nhiễm sắc thể số 12.
Chị Hiền được em gái ruột có sức khỏe tốt hiến trứng, thụ tinh nuôi cấy được 4 phôi ngày 5. Sau ba tháng điều trị nội tiết canh niêm mạc tử cung, chị Hiền được chuyển một phôi giúp đậu thai ngay lần đầu. Thai nhi hiện 14 tuần phát triển khỏe mạnh.
"Tôi hạnh phúc vì con có 50% huyết thống của chồng, 50% từ người thân và có tới hai người mẹ", chị Hiền nói.
Theo bác sĩ Tú, bên cạnh các phương pháp hỗ trợ sinh sản giúp phụ nữ hiếm muộn có con bằng trứng của mình, chuyển phôi bằng trứng hiến tặng cũng giúp hàng nghìn vợ chồng vô sinh trên thế giới được làm cha mẹ. Báo cáo của Hiệp hội Công nghệ Sinh sản Mỹ năm 2021, nước này có hơn 20.000 chu kỳ thụ tinh ống nghiệm sử dụng trứng hiến tặng, tăng 19% so với năm trước đó.
Việt Nam hiện chưa có nghiên cứu và thống kê về tỷ lệ thực hiện thụ tinh ống nghiệm từ trứng hiến tặng. Tại IVF Tâm Anh TP HCM, tỷ lệ này khoảng 2%. Bác sĩ Tú cho biết trường hợp phải xin trứng là những phụ nữ suy buồng trứng sớm, dự trữ buồng trứng giảm, mãn kinh, đã cắt bỏ buồng trứng nhưng có tử cung, từng IVF thất bại nhiều lần với chất lượng trứng hoặc phôi kém, người mang bệnh lý di truyền không thể có con bằng trứng tự thân.
Khi có chỉ định xin trứng, họ chủ động tìm người hiến tặng. Theo quy định của pháp luật Việt Nam, người cho trứng cần đảm bảo 18-35 tuổi, tự nguyện hiến, chưa từng hiến trứng dẫn đến sinh con thành công, không đang có thai và cho con bú, không có quan hệ cận huyết với chồng của người nhận trứng, chức năng buồng trứng cần được đánh giá trên xét nghiệm và siêu âm, không mắc bệnh lây qua đường tình dục. Bên cạnh đó, người này và người thân trong gia đình không mắc các bệnh lý về tâm thần, di truyền. Tư vấn tâm lý được thực hiện cho vợ chồng xin trứng và người hiến trứng (gồm cả chồng khi đã kết hôn).
Người hiến sẽ kiêng giao hợp, hoặc sử dụng hình thức tránh thai không chứa hormone khi bắt đầu điều trị đến chu kỳ kinh tiếp theo. Các bước kích thích buồng trứng, chọc hút trứng và tạo phôi tương tự như quy trình IVF thông thường. Phôi được tạo ra sẽ chuyển vào buồng tử cung của người xin trứng ở chu kỳ tiếp theo.
Theo quy định của pháp luật Việt Nam, sau khi một đứa trẻ khỏe mạnh chào đời, những trứng còn lại sẽ hủy. Tất cả quyền và trách nhiệm đối với việc chăm sóc đứa trẻ sinh ra do người xin trứng chịu trách nhiệm, người hiến trứng không được can thiệp.
Hoài Thương
*Tên bệnh nhân đã được thay đổi