Thứ năm, 28/2/2019, 18:03 (GMT+7)

Chuyên gia Trung Quốc: Trump - Kim bỏ lỡ cơ hội quý ở Hà Nội

Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Triều Tiên có cơ hội hiếm hoi để gạt bỏ bất đồng, xây dựng hợp tác, nhưng đã bỏ lỡ một cách đáng tiếc.

Tổng thống Trump (phải) và Chủ tịch Kim trao đổi trước khi gặp thượng đỉnh ở Metropole. Ảnh: AFP.

Tổng thống Trump (phải) và Chủ tịch Kim trao đổi trước khi gặp thượng đỉnh ở Metropole. Ảnh: AFP.

Cuộc gặp thượng đỉnh lần hai giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un ở khách sạn Metropole, Hà Nội đã kết thúc mà không một thỏa thuận nào được đưa ra. Theo tiến sĩ Yuan Sha, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc, đây là một kết quả rất đáng tiếc, bởi lãnh đạo hai nước đã có cơ hội rất quý giá cho một thỏa thuận lịch sử ở Hà Nội.

Trong bài viết trên trang mạng truyền hình Trung Quốc CGTN, tiến sĩ Yuan cho rằng chỉ cách đây hai năm, cả thế giới phải nín thở trước nguy cơ nổ ra một cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, khi Bình Nhưỡng liên tục thử hạt nhân, phóng tên lửa, còn Tổng thống Trump đe dọa đáp trả bằng "lửa và thịnh nộ".

Dư luận chỉ thở phào khi hai lãnh đạo gặp nhau lần đầu tiên ở Singapore vào tháng 6/2018, nhưng bản tuyên bố chung đạt được tại hội nghị này không bao gồm những điều khoản thi hành cụ thể, khiến tiến trình đàm phán sau đó rơi vào bế tắc. Trong bối cảnh đó, cuộc tái ngộ ở Hà Nội được kỳ vọng là cơ hội để hai lãnh đạo thu hẹp bất đồng, hướng tới một thỏa thuận mang tính thực chất, đóng góp cho hòa bình khu vực và thế giới.

Kỳ vọng về một thỏa thuận cụ thể, chi tiết hướng tới phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên lên cao hơn bao giờ hết khi hai lãnh đạo ca ngợi về cuộc thảo luận "rất tốt đẹp" trong bữa tối trước đó và cuộc gặp riêng sáng 28/2.

Tuy nhiên, khi Thư ký Báo chí Nhà Trắng Sarah Sanders vài giờ sau thông báo rằng sẽ không có "tuyên bố Hà Nội" được đưa ra, rất nhiều người đã băn khoăn, thậm chí hoang mang, không hiểu chuyện gì đã xảy ra tại cuộc đàm phán giữa phái đoàn hai nước. Nhiều người phỏng đoán rằng Tổng thống Trump có thể tức giận với việc cựu luật sư Michael Cohen đứng ra làm chứng chống lại ông tại phiên điều trần của quốc hội nên đã không muốn đạt thỏa thuận với Triều Tiên.

Tuy nhiên, tiến sĩ Yuan nhận định kết quả của hội nghị thượng đỉnh lần hai cho thấy Mỹ và Triều Tiên vẫn còn tồn tại những khác biệt sâu sắc và sự thiếu tin tưởng lẫn nhau, đặc biệt là trong nhận thức về "phi hạt nhân hóa".

Trump phát biểu tại cuộc họp báo sau hội nghị thượng đỉnh. Ảnh: AFP.

Trump phát biểu tại cuộc họp báo sau hội nghị thượng đỉnh. Ảnh: AFP.

"Phía Mỹ muốn trút toàn bộ gánh nặng phi hạt nhân hóa lên vai Triều Tiên, trong khi Bình Nhưỡng lại cho rằng phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo đồng nghĩa với việc Washington phải loại bỏ chiếc ô hạt nhân ở Đông Á", Yuan nhận định.

Hai bên cũng cho thấy họ vẫn chưa hoàn toàn tin tưởng lẫn nhau. Trong khi Mỹ coi các hoạt động hạt nhân của Triều Tiên là mối đe dọa với họ và các đồng minh, Bình Nhưỡng lại coi vũ khí hạt nhân là "thanh bảo kiếm hộ quốc" răn đe mọi mối đe dọa từ bên ngoài. "Về mặt kỹ thuật, hai nước vẫn đang trong tình trạng chiến tranh, và dường như hai bên chưa thể tìm ra cách để xoa dịu mối lo ngại an ninh của nhau".

Điều này thể hiện phần nào qua lời giải thích của Trump trong cuộc họp báo sau đó về kết quả không như kỳ vọng của hội nghị. Tổng thống Mỹ thừa nhận vẫn có "hố ngăn cách" giữa hai bên và lý do ông không ký vào thỏa thuận chung là do Triều Tiên muốn Mỹ dỡ bỏ toàn bộ lệnh cấm vận trước khi nước này phá hủy tổ hợp hạt nhân Yongbyong.

'Hố ngăn cách' khiến Mỹ - Triều không đạt được thỏa thuận
 
 

Trump nói về "hố ngăn cách" giữa Mỹ và Triều Tiên.

Jonah Blank, chuyên gia khoa học chính trị cấp cao tại RAND, cho rằng bất cứ hội nghị thượng đỉnh nào cũng phải được xây dựng nền móng từ dưới lên trên, trong đó các quan chức cấp thấp vạch ra giới hạn đàm phán, quan chức cấp trung tìm kiếm cơ hội thỏa hiệp, trong khi những người ở cấp cao nhất đưa ra thỏa thuận để lãnh đạo ký vào.

Theo Blank, các quan chức chính quyền Trump dường như đã không có những sự chuẩn bị cần thiết để nắm rõ và tìm cách thỏa hiệp với phía Triều Tiên, khiến hội nghị lần này không đạt được kết quả như mong đợi. "Chủ tịch Kim Jong-un luôn tin rằng vũ khí hạt nhân là thứ duy nhất đảm bảo cho sự sống còn của chế độ. Bất cứ thỏa thuận nào không tính tới điều này đều sẽ không thành công", ông viết.

Theo chuyên gia Yuan, mối đe dọa hạt nhân của Triều Tiên với Mỹ chỉ có thể được loại bỏ nếu hai bên thể hiện thành ý, gạt bỏ những nghi kỵ và cùng hợp tác hướng tới mục tiêu chung là phi hạt nhân hóa một cách hòa bình. "Điều đáng tiếc là hai lãnh đạo đã bỏ lỡ cơ hội để làm được điều này hôm nay", ông nhấn mạnh.

Tuy nhiên, ông cho rằng đây không phải là dấu chấm hết cho tất cả những nỗ lực đàm phán mà hai bên đã dày công xây dựng trong suốt hai năm qua, mà chỉ là một "khoảng lặng" cần thiết để hai phía đánh giá lại mọi thứ. "Nếu không thể đạt được một thỏa thuận công bằng và đáng tin cậy vào lúc này, sẽ là tốt hơn khi đợi những cơ hội trong tương lai để lựa chọn thời điểm đàm phán, thay vì nhắm mắt ký bừa vào một thỏa thuận tồi tệ", chuyên gia này nhấn mạnh.

Thành Nguyễn

 

Chia sẻ bài viết qua email