Trong chương trình tư vấn trực tuyến, BS.CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi - Giám đốc Trung tâm Sản Phụ khoa và ThS.BS Nguyễn Thị Thanh Tâm - chuyên gia bệnh lý Sàn chậu Trung tâm Sản Phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, chia sẻ về chủ đề "Kỹ thuật phục hồi sàn chậu, điều trị sa tử cung, sa âm đạo, són tiểu và chăm sóc sức khỏe sau sinh" trên fanpage của bệnh viện.
Theo các bác sĩ, bệnh lý sàn chậu khá phổ biến ở nữ giới với tần suất gấp 4 lần nam giới do có liên quan trực tiếp đến mang thai, sinh nở hoặc thiếu hụt nội tiết ở giai đoạn tiền mãn kinh, mãn kinh. Bệnh lý ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống người bệnh, gây tự ti, điều trị dai dẳng gây tốn kém.
Chủ quan không khám vì nghĩ bệnh không quan trọng
Sau sinh bé thứ hai, chị Bùi Ngọc Ánh (33 tuổi, Gò Vấp, TP HCM) bận rộn làm mẹ nên không thăm khám sau sinh theo khuyến cáo của các bác sĩ sản khoa. Bẵng đi một thời gian, khi các triệu chứng gây khó chịu và bất tiện, chị mới đến bệnh viện thăm khám.
Chị Ánh cho biết, khác với lần sinh bé đầu lòng, lần sinh bé thứ hai, cơ thể chị khôi phục về trạng thái ban đầu rất nhanh. Tuy nhiên, chị lại đi tiểu đêm nhiều lần mà không rõ nguyên nhân. Tình trạng này kéo dài gây ảnh hưởng đến giấc ngủ, khiến chị mệt mỏi, trở nên cáu gắt. Qua thăm khám, chị mới biết trong quá trình mang thai và sinh nở khung chậu bị bị ảnh hưởng, tác động lên bàng quang dẫn đến tình trạng rối loạn tiểu tiện, đi tiểu nhiều lần.
Một trường hợp khác, bà Mai Ngọc Tuyết (52 tuổi, Đồng Nai) bị đứt cơ thắt ngoài hậu môn, sa trực tràng và toàn bộ thành sau âm đạo ra ngoài. Con gái bà cho biết, vì gia đình neo người nên bà không kiêng cữ sau sinh, vẫn nấu ăn, giặt giũ, làm công việc nhà như bình thường. Thời gian đầu xuất hiện khối sa xuống âm đạo và hậu môn, không gây ảnh hưởng nhiều nên bà giấu con cái. Mãi đến khi khối sa lớn hơn, không tự chủ tiểu tiện, đại tiện, kèm theo đau dữ dội vùng hạ vị, ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt hàng ngày, bà mới chịu đi khám.
Sàn chậu là khối cân cơ, dây chằng căng ra như một tấm lưới lò xo từ trước ra sau khung chậu, có nhiệm vụ nâng đỡ cho các cơ quan vùng bụng chậu như ruột, tử cung, bàng quang, trực tràng. Sàn chậu bình thường giúp các cơ quan này được ở đúng vị trí, không sa ra khỏi cửa mình của người phụ nữ, đem lại sự thoải mái cho sinh hoạt, vận động và làm việc.
Bác sĩ Mỹ Nhi cho biết, khoảng 30% phụ nữ mang thai sẽ có các triệu chứng của rối loạn tiểu tiện và tự thuyên giảm trong vòng 3 tháng sau sinh. Tuy nhiên, nếu không thăm khám và chăm sóc từ sớm, sau một năm các triệu chứng rối loạn tiểu tiện sẽ tái lại. Cứ 3 phụ nữ từng sinh nở sẽ có một người bị són tiểu, sau 5 năm 90% trong số họ sẽ tiến triển thành bệnh lý són tiểu thực sự.
Bác sĩ Mỹ Nhi chia sẻ thêm, đến tuổi 50 sẽ có khoảng 50% phụ nữ bị sa ít nhất một cơ quan vùng chậu như ruột, tử cung, bàng quang, trực tràng. 70% phụ nữ trong số này bị sa phối hợp từ hai cơ quan trở lên khiến việc can thiệp điều trị dứt điểm gặp nhiều khó khăn và tốn kém, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.
Phụ nữ nên thăm khám sàn chậu để phòng bệnh
Quá trình mang thai và sinh nở đều tác động gây tổn thương lên sàn chậu. ThS.BS Nguyễn Thị Thanh Tâm khuyến cáo chị em phụ nữ sau sinh, dù sinh thường hay sinh ngả âm đạo cần thăm khám đánh giá chức năng sàn chậu ít nhất một lần. Những sản phụ có một trong số những đặc điểm dưới đây nên chủ động khám sàn chậu ngay trong thai kỳ:
- Có tiền sử bị són tiểu ở lần mang thai trước
- Sinh con to (nặng hơn 3.500 gram) hoặc vết rách ở tầng sinh môn nhiều
- Mang song thai, đa thai
- Tăng cân nhanh (nhiều hơn 3kg/tháng)
- Ước lượng cân nặng thai nhi nặng hơn 3.500 gram
- Xuất hiện các triệu chứng của bệnh lý sàn chậu như són tiểu, tiểu lắt lần, tiểu nhiều lần, khó tiểu; són hơi, đi đại tiện gấp; són phân, táo bón; sa tử cung, sa âm đạo, sa tạng chậu; đau khớp vệ, đau lưng.
Việc thăm khám, đánh giá chức năng sàn chậu nên được thực hiện trong vòng 2-3 ngày sau sinh (trước khi sản phụ xuất viện), có thể tiến hành ngay sau các cuộc sinh khó, sinh có dụng cụ trợ giúp (kềm, giác hút), sinh con to qua ngả âm đạo hoặc thăm khám vào khoảng thời gian 1-3 tháng sau sinh.
"Chị em phụ nữ mang nặng đẻ đau nếu không được chăm sóc sàn chậu đúng cách, bệnh sàn chậu xuất hiện đến lúc lớn tuổi ngày càng nặng hơn. Sự âm thầm chịu đựng đã lấy đi vài chục năm chất lượng cuộc sống. Bệnh rất khó lui tự nhiên hoặc chỉ tạm thời trong một vài năm. Đến tuổi xế chiều, bệnh nhân vẫn phải điều trị, có thể đã biến chứng hư hại chức năng các cơ quan sinh dục, tiết niệu, hậu môn trực tràng, không đạt được hiệu quả điều trị tốt nhất", bác sĩ Thanh Tâm cho biết.
Theo bác sĩ Thanh Tâm, mục tiêu của thăm khám, tập luyện cơ sàn chậu là giúp ngăn ngừa và điều trị hiệu quả đến 80% các tình trạng són tiểu, tiểu đêm hoặc tiểu không kiểm soát, són phân, són hơi cho phụ nữ mang thai và sau sinh. Tập luyện đúng cách và khoa học còn phòng ngừa tình trạng sa các tạng ở vùng chậu như sa tử cung, trực tràng, sa bàng quang. Đối với các trường hợp đã sa thì giúp ngăn ngừa bệnh tiến triển, không sa nặng hơn.
Những vấn đề xoay quanh dấu hiệu, triệu chứng của rối loạn sàn chậu, những đối tượng dễ bị sa sàn chậu, những kỹ thuật chẩn đoán và điều trị... sẽ được bác sĩ Mỹ Nhi và bác sĩ Thanh Tâm sẽ chia sẻ trong chương trình tư vấn trực tuyến.
Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi
Ngọc An (Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh)