Marlena Fejzo, 55 tuổi, vẫn ám ảnh về kỳ mang thai cách đây hơn 20 năm. Dán phía trên bàn làm việc ở góc phòng ngủ là một bức tranh chân dung của bà, vẽ năm 1999 bằng màu xanh lá và vàng – màu của bệnh tật, gò má hốc hác đầy nước mắt. Đây là tấm hình duy nhất về bản thân được Fejzo giữ đến bây giờ.
Tiến sĩ Fejzo lúc đó đang là nghiên cứu sinh sau tại Đại học California, Los Angeles (UCLA), Mỹ, người hiện là nhà nghiên cứu của khoa sản phụ khoa tại Trường Y khoa Keck thuộc Đại học Nam California.
Lý do là vào thời điểm đó, Fejzo đang mang thai lần hai, phải chịu chứng ốm nghén nặng, cứ di chuyển là nôn mửa. Bà không thể đi làm hay chăm sóc con, không thể uống dù chỉ một thìa nước. Cứ ăn hay uống, bụng sẽ co thắt dữ dội và rất lâu, khiến bà không thể thở được.
"Mỗi khoảnh khắc sống là cực hình", Fejzo nói, cho biết thêm không thể ăn hay uống trong ít nhất một tháng, phải truyền dịch. Fejzo sụt cân nhanh chóng, từ 48 kg còn 45 kg, sau đó quá yếu để có thể đứng vững.
Fejzo đã liên hệ bác sĩ điều trị song tình trạng không cải thiện. Bác sĩ cứ tiếp tục thử các liều thuốc nặng hơn và các loại thuốc khác nhau, cuối cùng đồng ý truyền dịch dinh dưỡng qua tĩnh mạch. Tuy nhiên, tới tuần thứ 15, tim thai nhi ngừng đập, khiến Fejzo suy sụp.
Tình trạng của Fejzo là chứng ốm nghén nặng khi mang thai, biểu hiện bằng hiện tượng buồn nôn hoặc nôn mửa không ngừng. Đây là biến chứng hiếm gặp, xảy ra ở khoảng 2% thai phụ, có thể để lại hậu quả nghiêm trọng. Một số phụ nữ mô tả cho hay trầm cảm và nằm liệt giường trong 20 tuần, ám ảnh đến nỗi sợ mang thai, một số có cảm giác khốn khổ, không có hy vọng.

Ốm nghén nặng khiến người mẹ không thể ăn, uống bình thường, cần điều trị kịp thời. Ảnh: Freepik
Tuy nhiên, bệnh thường được phát hiện muộn và điều trị chậm. Nhiều bác sĩ có quan niệm ốm nghén nặng không phải bệnh, mà là sự ám ảnh tâm lý của thai phụ, mong muốn bị ốm khi mang thai để được chồng thông cảm, gia đình chú ý.
Thực tế, chứng nôn nghén nặng khi mang thai có thể gây mất nước, sụt cân, mất cân bằng điện giải và phải nhập viện. Bên cạnh đó, người mẹ bị suy dinh dưỡng, thiếu vitamin B thiamin, dẫn tới chứng rối loạn, tổn thương não, sảy thai và tử vong. Chứng nôn nhiều cũng liên quan đến sinh non, tiền sản giật và đông máu.
Trong một cuộc khảo sát gần đây trên hơn 5.000 thai phụ bị chứng nôn trớ, 52% từng cân nhắc và 5% đã chấm dứt thai kỳ; 32% cho biết có ý định tự tử. Một nghiên cứu năm 2022 cho thấy chứng nôn trớ là một trong những yếu tố dự báo chính của chứng trầm cảm sau sinh.
Hiện chưa phát hiện nguyên nhân gây ra ốm nghén nặng, đặc thù cơ địa có liên quan tới bệnh hay không. Một vài bằng chứng chỉ ra lý do có thể là sự thay đổi nội tiết tố trong cơ thể khi người mẹ mang thai hoặc do di truyền. Nếu thai phụ bị ốm nghén nặng trong lần mang thai trước, họ có thể tiếp tục mắc bệnh trong lần mang thai tiếp theo.
Một số đột biến gene được cho là "thủ phạm" gây ốm nghén nặng, theo tiến sĩ Fejzo. Trong đó, đột biến gene tạo ra loại protein GDF15 nổi bật nhất. GDF15 hoạt động trong một phần củ não, ngăn chặn cảm giác thèm ăn, gây nôn, từng được chứng minh là gây thèm ăn và sụt cân ở bệnh nhân ung thư.
Khi mang thai, nồng độ protein trong máu tăng lên, nồng độ này cao hơn ở những người bị nôn hoặc buồn nôn kéo dài. Do đó, các nhà nghiên cứu suy đoán GDF15 có thể hoạt động quá mức, hoặc nồng độ quá cao, từ đó gây ốm nghén nặng.
Chứng ốm nghén nặng không ảnh hưởng tới em bé nếu được điều trị hiệu quả. Song các nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng trẻ có nguy cơ nhẹ cân khi sinh, khó nhận thức, gặp vấn đề sức khỏe tâm thần và hành vi trong thời thơ ấu. Các nhà nghiên cứu đưa giả thuyết cho rằng lý do có thể là suy dinh dưỡng và căng thẳng khi nằm trong bụng người mẹ ốm nghén.
Theo Cơ quan Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS), ốm nghén nặng tệ hơn so với ốm nghén thông thường, cần được điều trị và hỗ trợ. Phụ nữ nên đi khám nếu ốm nghén gây kiệt sức, cản trở công việc hàng ngày, hoặc ám ảnh về việc bị nôn, bị cô lập vì không ai hiểu cảm giác ốm nghén nặng, mờ mịt về thời gian thai kỳ khi liên tục cảm thấy ốm yếu.
Chi Lê (Theo Channel News Asia, NHS)