Bà Nguyễn Thị Mai (60 tuổi) bị chóng mặt nhiều năm, đầu óc quay cuồng, đi không vững, người nôn nao, nhất là khi đổi tư thế từ nằm sang ngồi, đứng. Bà khám ở nhiều bệnh viện lớn, bác sĩ chẩn đoán có vấn đề về tiền đình nhưng không tìm được nguyên nhân.
Người chồng thấy bà tâm lý bất ổn, cho rằng bị trầm cảm nên đưa vào bệnh viện chuyên khoa tâm thần điều trị. "Suốt một năm, bệnh cứ đỡ rồi tái phát, tôi chán nản, từng có suy nghĩ muốn tự tử", bà Mai nói.
Sau khi xem một chương trình tư vấn sức khỏe, thấy Phó giáo sư Lê Minh Kỳ chia sẻ triệu chứng của rối loạn tiền đình rất giống vợ mình nên ông đưa bà đến khám tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội vào tháng 10/2022.
PGS.TS.BS Lê Minh Kỳ, Phụ trách chuyên môn khoa Tai mũi họng của bệnh viện, thăm khám lâm sàng, thực hiện các bài kiểm tra toàn diện về hệ thống tiền đình, trong đó, có phương pháp đo ảnh động nhãn đồ (VNG). Theo Phó giáo sư Kỳ, đây là kỹ thuật quan trọng nhất để xác định chính xác nguyên nhân tổn thương tiền đình do ngoại biên (tai trong) hay trung ương (thần kinh). Bà Mai được chẩn đoán mắc rối loạn tiền đình ngoại biên do thạch nhĩ lạc chỗ ở cả hai bên tai.
"Nghe tên bệnh thấy lạ, tôi hoang mang, không tin song vẫn thử điều trị", bà nói. Ngay sau buổi đầu tiên tập với ghế tập phục hồi chức năng tiền đình (TRV), bà phục hồi đến 90% cảm giác thăng bằng. Sau ba lần tập, triệu chứng chao đảo, chóng mặt khỏi hoàn toàn.
"Buổi tập cuối cùng, nghe bác sĩ thông báo chữa khỏi bệnh, tôi bật khóc vì hạnh phúc sau thời gian dài nghĩ mình trầm cảm", bà Mai xúc động nói.
Thạch nhĩ lạc chỗ hay chóng mặt kịch phát lành tính (BPPV) là nguyên nhân phổ biến nhất gây rối loạn tiền đình ngoại biên. Bệnh xảy ra khi thạch nhĩ (sỏi tai) rơi vào ống bán khuyên, bộ phận có chức năng định hướng và giữ thăng bằng trong tai. Khi người bệnh thay đổi tư thế, sỏi di động trong ống bán khuyên gây chóng mặt, quay cuồng. Triệu chứng xuất hiện đột ngột, liên tục và hay tái phát nên người nhà thường nghĩ bệnh nhân "giả vờ". Bệnh ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt, lao động. Nếu không được thấu hiểu, người bệnh thường lo âu, chán nản, biểu hiện giống với trầm cảm.
Theo Phó giáo sư Kỳ, thạch nhĩ lạc chỗ từng được coi là bệnh không thể chữa khỏi. Hướng xử trí duy nhất là phải đưa được thạch nhĩ đi lạc về đúng vị trí vốn có. Bác sĩ thường cho người bệnh tập xoay, lắc đầu và cổ để đẩy thạch nhĩ ra khỏi ống bán khuyên, tuy nhiên, tỷ lệ thành công thấp vì góc xoay chỉ cần lệch vài độ, sỏi có thể rơi sâu hơn và làm triệu chứng nặng hơn. Người cao tuổi, tàn tật hoặc có vấn đề về đốt sống cổ không tập được theo phương pháp này.
Phó giáo sư Kỳ chia sẻ thêm, hiện nay, bệnh thạch nhĩ lạc chỗ có thể điều trị khỏi hoàn toàn bằng ghế tập phục hồi chức năng tiền đình (TRV). Máy được lập trình sẵn các góc quay theo giải phẫu của ống bán khuyên, sao cho dù thạch nhĩ bị lạc ở bất kỳ vị trí nào đều có thể đưa về vị trí cũ. Loại ghế tập này có thể dùng cho nhiều bệnh nhân, kể cả người có bệnh về xương khớp, cao tuổi. Đây là một trong những chiếc máy điều trị rối loạn tiền đình đầu tiên tại Việt Nam.
"Gần 2 năm ứng dụng ghế tập TRV tại Bệnh viện Tâm Anh, có hơn 400 bệnh nhân rối loạn tiền đình được điều trị khỏi hoàn toàn, tỷ lệ thành công đạt trên 80%", phó giáo sư Kỳ nói.
Theo Phó giáo sư Kỳ, trước đây chẩn đoán nguyên nhân rối loạn tiền đình rất khó khăn, bác sĩ chủ yếu dựa vào khám lâm sàng để đoán bệnh, tỷ lệ bỏ sót cao, dẫn đến điều trị không hiệu quả. Ngày nay, máy đo ảnh động nhãn đồ (VNG) với 18 phép đo tiền đình được lập trình sẵn giúp phát hiện nguyên nhân rối loạn tiền đình với độ chính xác cao. Người bệnh được đeo một loại kính đặc biệt có gắn camera, ghi lại và phân tích chuyển động nhãn cầu. Từ đó, bác sĩ xác định kiểu rung giật nhãn cầu do nguyên nhân thần kinh hay ngoại biên.
PGS.TS.BS Nguyễn Văn Liệu, Trưởng khoa Thần kinh - Đột quỵ, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết thêm, rối loạn tiền đình có 50% nguyên nhân do tổn thương ngoại biên và 50% do tổn thương trung ương, một số trường hợp do cả hai dạng. Triệu chứng bệnh bao gồm chóng mặt, hoa mắt, mất thăng bằng, buồn nôn và nôn, mất ý thức. Trước đây, bệnh chủ yếu gặp ở người già nhưng nay có xu hướng trẻ hóa.
Phát hiện chính xác nguyên nhân rối loạn tiền đình là yếu tố quan trọng nhất để điều trị bệnh hiệu quả. Bên cạnh đó, việc điều trị cần có sự phối hợp giữa khoa Tai mũi họng và Thần kinh, cùng các thiết bị thăm dò chức năng tiền đình hiện đại.
Hoài Phạm
20h ngày 29/11, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh tổ chức chương trình tư vấn trực tuyến "Kỹ thuật hiện đại chẩn đoán và điều trị rối loạn tiền đình". Chương trình phát trên fanpage VnExpress có sự tham gia tư vấn, giải đáp của các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực Thần kinh và Tai mũi họng, giàu kinh nghiệm về bệnh lý rối loạn tiền đình:
- PGS.TS.BS Nguyễn Văn Liệu, Trưởng khoa Thần kinh - Đột quỵ BVĐK Tâm Anh Hà Nội
- PGS.TS.BS Lê Minh Kỳ, Phụ trách chuyên môn khoa Tai mũi họng BVĐK Tâm Anh Hà Nội
- TTƯT.TS.BS Nguyễn Thị Minh Đức, Trưởng khoa Nội thần kinh, Trung tâm Thần kinh BVĐK Tâm Anh TP HCM
Độc giả có thể gửi câu hỏi tại đây.