"Thật sự rất khó khăn ở khâu vận chuyển hàng hóa. Tôi là chủ một doanh nghiệp nhưng tài xế tôi nghỉ hết mùa dịch. Đi thuê xe ngoài để vận chuyển nhưng họ cũng nói tài xế nghỉ nhiều lắm nên không có ai chở. Có chỗ lại nói không có giấy xét nghiệm do không có nơi nào ưu tiên test cho tài xế, trong khi mỗi lần đi test cũng đứng đợi đông như kiến nên tài xế sợ lây bệnh và nghỉ làm hết. Tài xế quá nản vì qua các chốt chặn phải chờ đợi rất lâu, không may đi nhầm chỗ dịch về còn bị cách ly.
Tình hình mà cứ như vậy thì chậm tháo gỡ được tình trạng thiếu lương thực, thực phẩm cục bộ. Mấy chốt chặn hiện nay đang áp dụng máy móc Chỉ thị 16 khi cứ không phải hàng thiết yếu là không cho qua. Chẳng hạn doanh nghiệp tôi sản xuất rổ nhựa dùng để đóng nông sản, trái cây của người nông dân đem đi tiêu thụ. Tôi chỉ đi ngang qua quận áp dụng Chỉ thị 16 vì chỉ có đường đó để đi. Thế nhưng tài xế của tôi bị cảnh cáo vì đây không phải là hàng thiết yếu. Vậy hỏi trái cây nông sản đựng bằng cái gì để đem đi tiêu thụ?".
Đó là chia sẻ của độc giả Dieu trên phương diện một doanh nghiệp sản xuất gặp khó khăn trong khâu vận chuyển hàng hóa mùa dịch. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân gây ảnh hưởng đến nguồn cung thực phẩm cho TP HCM thời gian qua.
Đồng cảnh ngộ, bạn đọc Inf0 bày tỏ: "Tôi là chủ một doanh nghiệp cung cấp dụng cụ thiết bị, dung môi hóa chất và môi trường kiểm tra cho phòng thí nghiệm của các công ty sản xuất. Họ dùng những thứ này để kiểm tra sản phẩm có đạt yêu cầu hay không? Bao gồm cả cho nhà máy giết mổ, sản xuất sữa, cá, trái cây, siêu thị, ngũ cốc, mỳ gói... Sản phẩm muốn ra thị trường, đến người tiêu dùng đều phải qua kiểm tra có đạt chất lượng vi sinh và hóa lý không? Vậy nhưng, theo quy định hiện hành, sản phẩm của công ty tôi không được xem là thuộc hàng thiết yếu nên không qua được trạm kiểm soát. Từ đó dẫn đến các nhà máy, phòng thí nghiệm cũng phải chịu ảnh hưởng theo luôn".
Nói về những bất cập trong công tác kiểm soát phương tiện ra vào thành phố, độc giả NPV Mỹ Nga nhận định: "Tôi cũng cùng cảnh ngộ như trên. Tài xế không biết đi đâu xét nghiệm, phải đứng chờ rất lâu và tiếp xúc nhiều người. Có nhiều chốt có cho test nhanh tại chỗ, nhưng có nhiều nơi thì yêu cầu tài xế phải vào bệnh viện, nhiều khi quá tải lại không nhận, không có kết quả ngay. Nhiều tỉnh còn yêu cầu phải có xét nghiệm PCR, thời gian đợi chờ càng lâu hơn. Nhiều tỉnh lại yêu cầu tài xế phải đi cách ly tập trung...
Mùa dịch, các doanh nghiệp vận tải gặp rất nhiều khó khăn khi chi phí xét nghiệm cao, nguồn lực lái xe không đảm bảo lại bị kiểm soát ngặt nghèo. Nếu ngay từ đầu, chúng ta ưu tiên tiêm vaccine cho đối tượng tài xế, đặc biệt là tài xế lái xe đường dài, để giảm thiểu lây lan thì đã không khó khăn đến vậy".
>> Vật tư y tế, thực phẩm phải xếp hàng vì 'giấy thông hành'
"Thật trớ trêu khi nông sản, rau củ từ miền Tây, Đà Lạt... giá rẻ nhưng lại bị ứ đọng, phải đổ bỏ. Trong khi thành phố thì thiếu hàng cục bộ, giá đội lên từng ngày. Tôi cho rằng ngành Y tế đã quá vất vả trong công tác chuyên môn, điều trị bệnh nhân Covid-19 hơn một năm qua. Do đó, Bộ Công Thương, Giao thông vận tải... cũng cần phối hợp cùng các địa phương để khẩn trương giải quyết ách tắc, giúp nông dân và bà con thành phố vượt qua khốn khó", bạn đọc Trí nói thêm.
Đề xuất giải pháp giải quyết tình trạng ùn tắc trong khâu vận chuyển, cung ứng sản phẩm, độc giả Tai Nguyen gợi ý: "Theo tôi, nên ưu tiên tiêm vaccine cho tài xế, lấy Long An làm vùng đệm cho TP HCM. Lấy Bình Dương, Đồng Nai làm vùng đệm để san hàng cho các tỉnh miền Trung, Bắc, Tây Nguyên. Hàng ở Vũng Tàu thì xe TP HCM xuống lấy và phải có điểm tập kết. Hàng phải đặt trên pallet để xe nâng dỡ hàng nhanh chóng. Như vậy khỏi phải cách ly xe đi về từ Sài Gòn. Hàng xuất nhập khẩu thì cũng làm y như vậy. Chi phí có tăng đôi chút nhưng giao thông được thông suốt".
Trong khi đó, bạn đọc Văn Tùng nêu quan điểm: "Cái chính là chúng ta quá chậm chạp. Về kiểm dịch, tại sao Bộ Giao thông vận tải không xây dựng hệ thống theo dõi xét nghiệm nhanh? Chủ doanh nghiệp cần cho tài xế test nhanh trước khi xuất phát (Hàn Quốc đã làm cách đây hơn một năm), cập nhật dữ liệu vào hệ thống thông tin (biển số xe, nơi đi, nơi đăng ký chạy đến, thông tin tài xế, loại hàng hóa) để khi chuyến xe đi qua bất cứ trạm kiểm soát nào cũng được tự động duyệt cho qua. Chiều về cũng sẽ làm vậy.
Việc phân phối hàng hóa đẩy mạnh thương mại điện tử, một hình thức rất hay có thể áp dụng mua chung (người dân trong một khu phố có thể đăng ký mua một mặt hàng nông sản nào đó) để việc phân phối hàng hóa được tập trung thuận tiện. Tất cả những vấn đề kỹ thuật chúng ta đều tự làm được, thế giới đã có Hàn Quốc, Trung Quốc làm từ lâu. Chúng ta chỉ cần học theo họ thôi thì cũng giải quyết được vấn đề này.
Trước mắt, nếu việc xây dựng phân phối hàng hóa chưa kịp thì ta có thể áp dụng việc vận tải trước. Còn phân phối có thể thông qua chính quyền địa phương nơi sản xuất và chính quyền địa phương nơi tiêu thụ, kêu gọi các tình nguyện viên tham gia".
>> Các ý kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.