Cho người bạn trong nhóm nhậu mượn xe đi đón bạn gái nhưng sau đó xảy ra tai nạn khiến hai người tử vong, nam thanh niên 23 tuổi ở Hòa Bình bị khởi tố theo khoản 2, Điều 264 Bộ luật hình sự. Ủng hộ quyết định này của cơ quan cảnh sát, độc giả Sông Đông êm đềm nhận định: "Thật ra, phần lớn người Việt vi phạm quy định này vì chưa ai bị phạt, chứ không phải không biết luật. Tựa như chuyện vượt đèn đỏ hay đi vào làn khẩn cấp vậy, không ai bảo tôi không biết luật nên làm vậy cả, chỉ là biết những vẫn cố tình vi phạm do chưa bị phạt mà thôi.
Bối cảnh ở trường hợp này quá rõ ràng. Khi bạn cho người khác mượn xe, nếu họ vẫn đủ năng lực điều khiển phương tiện thì sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự nếu họ gây tai nạn. Còn trường hợp này là hai người đang cùng uống rượu, người cho mượn biết chắc chắn bạn mình có nồng độ cồn vượt quá quy định, không đủ năng lực lái xe mà vẫn cho mượn xe nên bị khởi tố là chính xác".
Đồng quan điểm, bạn đọc Quydoden nhấn mạnh: "Tôi thấy việc người cho mượn xe bị khởi tố là không oan. Biết bạn uống rượu nhiều vậy mà vẫn cho mượn xe thì rõ ràng là không xem quy định về nồng độ cồn ra gì. Và chắc hẳn, nếu không có tai nạn này thì sau cuộc nhậu có khi chính chủ xe cũng sẽ tự lái về nhà dù bản thân đã uống rất nhiều".
>> 'Phạt tù người vi phạm nồng độ cồn sẽ thiếu tính giáo dục'
Kiên quyết không cho bạn mượn xe sau khi nhậu, độc giả Oacejsc chia sẻ: "Nhóm tôi đi uống rượu xong cũng rủ nhau đi hát. Riêng tôi không uống để lái xe đưa cả nhóm đi. Ấy vậy mà có ông bạn say lè nhè vẫn cứ giằng chìa khóa để đòi lái bằng được, tuyên bố 'tao lái được, để tao lái'. Đương nhiên là tôi kiên quyết không đưa. Cả năm không gặp nhau, giờ hẹn nhau nhậu được một bữa mà tôi đưa chìa khóa xe cho người say xỉn cầm lái thì chẳng khác nào đưa cả đám vào chỗ chết. Thế nên, tôi nhất quyết không là không".
Cũng ý thức việc không cho người không đủ năng lực điều khiển phương tiện mượn xe, bạn đọc Siro nói thêm: "Đây chính là lý do tôi không bao giờ cho ai mượn xe, cũng như không mượn xe của ai sau khi nhậu. Đừng tỏ ra sĩ diện để có ngày lãnh hậu quả đau đớn như vụ việc này. Nếu ai cần đi, tôi sẵn sàng chở họ đi nếu đủ năng lực lái xe, chứ không thể đưa chìa khóa xe cho họ chạy được".
Nói về bản lĩnh từ chối đề nghị mượn xe, độc giả Nguyen cuong bình luận: "Bởi vậy, nghĩ đi nghĩ lại, vấn đề vẫn nằm ở cái tính nể nang của người Việt chúng ta. Nhiều người vin vào tình bạn cao cả để ép bạn mình vào thế sai phạm (phải nhậu, phải cho mượn xe...). Để rồi đến khi sự cố xảy ra, cả hai bên đều dính lao lý, rắc rối. Thế nhưng, từ chối người mượn cũng không dễ vì nhiều người sẽ bị bạn bè trở mặt chỉ vì không giúp đỡ họ. Chuyện này tôi đã gặp quá nhiều trong cuộc sống, đúng là rất khó xử. Do vậy, pháp luật nên quyết liệt hơn để làm gương và nêu cao hiểu biết và ý thức trách nhiệm của từng người dân".
Ở một khía cạnh khác, bạn đọc Trinhvanhai lại thắc mắc về trách nhiệm của chủ quán nhậu khi để khách lái xe sau khi say xỉn: "Giả sử chủ quán nhậu biết khách nhậu đã uống bia rượu mà vẫn cho họ đi xe về. Khi khách trên đường về gây tai nạn nghiêm trọng thì chủ quán nhậu có bị liên lụy không nhỉ?".
Độc giả Tuongvidona lấy dẫn chứng: "Trường hợp này cũng từng xảy ra ở nước Mỹ. Chuyện là một nữ bartender thấy khách đi ra loạng choạng ra lấy xe đi về, nhưng không có hành động ngăn cản. Sau đó, người khách này gây tai nạn chết người. Kết quả, cô này cũng bị xử lý hình sự. Liệu Việt Nam có nên học theo cách làm này?".
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.