"Vấn đề mấu chốt của việc giải ngân gói an sinh 62.000 tỷ đồng nằm ở chỗ thủ tục hành chính quá rườm rà. Hỗ trợ là phải nhanh gọn mới đáp ứng được tình hình cấp bách, nhưng từ khi lập danh sách cho đến khi người cần hỗ trợ chứng minh được gia cảnh thì thời gian quá lâu, vì thế cái háo hức ban đầu được thay bằng nỗi thất vọng.
Nhiều người xa quê lên thành phố làm việc, để được hỗ trợ họ phải về quê để xác nhận giấy tờ, mà trong điều kiện dịch bệnh như vậy, việc đi lại đâu phải dễ dàng? Có người còn không thể đi vì chính địa phương nơi họ cư trú cũng đang phải cách ly, thế nên họ không còn muốn hoàn thành thủ tục để nhận hỗ trợ nữa. Đó là những điểm mấu chốt phản ánh đúng thực trạng nhiêu khê của thủ tục hành chính, ngay cả những lúc cấp bách, cần phải nhanh gọn".
Đó là chia sẻ của độc giả Trần phong xung quanh câu chuyện "Gói an sinh 62.000 tỷ giải ngân thấp". Thực tế, sau hơn một năm triển khai, gói an sinh hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp, hộ kinh doanh bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch Covid-19 mới chỉ giải ngân thực tế trên 13.100 tỷ đồng. Tính đến cuối tháng 5/2021, gần 13,2 triệu người nhận được hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt trích từ ngân sách nhà nước. Tỷ lệ chi hỗ trợ trực tiếp đạt hơn 22% toàn gói.
Lấy dẫn chứng từ chính trường hợp của bản thân, bạn đọc HoaTran nhận định: "Tôi xin chia sẻ với bạn đọc câu chuyện thực tế ở công ty mình. Công ty tôi kinh doanh trong lĩnh vực nhà hàng tại TP HCM. Vào đợt dịch đầu tiên, chúng tôi phải đóng cửa để thực hiện giãn cách, nên phải cắt giảm gần 10 nhân viên và ba nhân viên nghỉ việc không hưởng lương.
Để đảm bảo quyền lợi cho ba bạn nghỉ không lương, phòng nhân sự đã làm đi làm lại biểu mẫu để gửi cho BHXH xác nhận rồi gửi cho UBND Quận. Chưa kể, công ty phải bổ sung thêm các giấy tờ thỏa thuận nghỉ việc không lương của các bạn. Bắt đầu nghỉ việc từ ngày 23/3/2020, nhưng mãi đến đầu tháng 8/2020, các nhân viên này mới nhận được tiền hỗ trợ với số tiền một triệu mỗi tháng".
Cùng chung cảnh ngộ, độc giả Zim bổ sung: "Năm ngoái, tôi thất nghiệp hai tháng nhưng đến nay đã nhận được đồng nào đâu? Tổ trưởng dân phố đến nhà phát giấy, yêu cầu ký tá các kiểu, ban đầu tôi cũng mừng lắm. Nhưng đến lúc đi làm lại, tôi vẫn chưa thấy động tĩnh gì. Năm nay, tôi dính thất nghiệp lần hai, cũng đang ở nhà hai tháng và chưa biết ngày quay lại đi làm, nhưng nghe đến giải ngân hỗ trợ mà không thấy trông đợi gì nữa. Tôi chỉ mong tiền này đến được tay bà con nghèo có hoàn cảnh khó khăn hơn mình".
"Phường thông báo nhà tôi được hỗ trợ, nhưng phải về quê xin giấy chứng nhận là không nhận ở quê. Về quê thì xã lại bảo tôi lên Hà Nội xin giấy chứng nhận là chưa nhận ở Hà Nội. Trong khi mỗi lần về có phải vài chỉ chục phút là xong đâu. Đi đi lại lại, xin được cái xác nhận thôi cũng mất cả ngày, có khi hai ngày rồi, trong khi trời nắng nóng hơn 40 độ. Lần này nếu được tôi cũng xin nhường lại suất của mình cho người khác", bạn đọc Dhiep0384 chia sẻ.
>> 'Tôi từ bỏ nhận hỗ trợ Covid-19'
Lý giải kết quả giải ngân chưa cao như dự kiến, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho rằng việc lập danh sách lao động tự do gặp khó khăn; nhiều người dù đi làm trong doanh nghiệp nhưng không có hợp đồng, không đủ điều kiện xét hỗ trợ. Nhiều địa phương lúng túng trong triển khai, nhất là cán bộ trực tiếp cấp xã, huyện...
Bên cạnh việc chậm trễ giải ngân, độc giả Hoàng còn chỉ ra nhiều bất cập khác: "Còn có những trường hợp hỗ trợ không đúng đối tượng nữa. Bạn tôi là dân văn phòng, lương không hề thấp, thời dịch làm việc ở nhà, lương như cũ, nhưng tổ dân phố vẫn lấy danh sách hỗ trợ như thường. Thành ra, mùa dịch này, bạn tôi nhiễm nhiên lãnh thêm 1,2 triệu đồng mỗi tháng. Trong khi đó, bốn anh chị đang thuê nhà của tôi, trong đó có hai người ở nhà buôn bán tự do và đi làm mướn cho người ta, thì đều không được hỗ trợ, do họ là dân nhập cư, dù có đăng ký tạm trú, tạm vắng cả. Tôi thấy phường thường tranh thủ giải quyết các trường hợp dễ, còn khó họ bỏ qua".
Gợi ý giải pháp giải ngân nhanh gói an sinh 62.000 tỷ đồng, bạn đọc Hoàng Văn Hòa nhận định: "Vì gói hỗ trợ này chia theo các nhóm ưu tiên, phân loại ưu tiên nên sinh ra rất nhiều thủ tục cần chứng minh. Từ đó, dẫn tới thực trạng chậm trễ giải ngân như hiện tại. Theo tôi:
- Giải pháp thứ nhất: Nếu chia đều số tiền cho toàn dân, tức mỗi nhân khẩu sẽ nhận được khoảng 620.000 đồng mỗi người. Hộ nào bốn người (tính theo sổ hộ khẩu) sẽ được nhận tổng 2.480.000 đồng. Phương án này sẽ công bằng toàn dân, nhanh chóng và tức thời, tuy nhiên không có phần để hỗ trợ doanh nghiệp.
- Giải pháp thứ hai: Hỗ trợ 100% cho người trong độ tuổi lao động, mỗi lao động sẽ được nhận: 1.033.333 đồng; hộ bốn người có hai lao động sẽ nhận được 2.066.666 đồng. Phương án này vẫn đảm bảo công bằng, nhưng ít hơn đối với những hộ gia đình có người nằm ngoài độ tuổi lao động. Doanh nghiệp vẫn không được hỗ trợ.
- Giải pháp thứ ba: Phân bổ theo tỷ lệ nhất định (doanh nghiệp và người dân). Doanh nghiệp có thêm các trường: nhân sự, đóng góp, nhóm ngành... Người dân thêm các trường: độ tuổi, khu vực ảnh hưởng... Sau đó lại chia đều cho những người thuộc đối tượng này mà không cần xét hồ sơ. Cách này tuy có phức tạp hơn nhưng đảm bảo nhanh hơn với yêu cầu hiện tại, lại cứu trợ công bằng.
Còn nếu cứ để như hiện nay, phân đúng đối tượng theo yêu cầu của gói cứu trợ thì chẳng mấy người chờ được đến lúc nhận tiền".
>> Các ý kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.