"Bạn tôi là một ví dụ điển hình cho những người không lo tiết kiệm đề phòng rủi ro khi còn đang yên ổn. Chưa có gia đình, thu nhập 50-100 triệu mỗi tháng, nhưng vì việc của bạn là bỏ một đồng lời ba đồng, nên thu nhập được bao nhiêu bạn tôi lại đem đi đầu tư hết. Tôi đã khuyên bạn nên cất giữ một ít để phòng thân nhưng vì thấy đang kiếm được ra tiền nên bạn nhất quyết không lo để dành.
Dịch đến, các nguồn thu của bạn cũng sụt giảm mạnh theo. Nhiều danh mục đầu tư đang lãi trước kia, giờ quay ra lỗ lớn. Bạn tôi phải cấp tốc cắt lỗ, sa thải nhân viên, và bán bớt đi nhiều tài sản giá trị. Giờ đây, bạn chỉ sống với thu nhập đủ tiền sinh hoạt. Mỗi lần trò chuyện với tôi, bạn đều nói 'giá như'. Tất nhiên, nhiều người có thể nhanh giàu hơn khi mạo hiểm đầu tư nhưng rủi ro quá lớn khi cuộc sống đâu phải khi nào cũng màu hồng".
Đó là chia sẻ của độc giả Đường Tiểu Đan xung quanh câu chuyện về những người cùng đường vì Covid -19. Dịch bệnh diễn biến phức tạp, giãn cách xã hội kéo dài, rất nhiều người rơi vào cảnh thiếu trước hụt sau, dù thời gian trước đó họ có thu nhập ổn định. Có ý kiến cho rằng nguyên nhân xuất phát từ việc không ít người chưa chú trọng đến chuyện tiết kiệm phòng thân, họ làm bao nhiêu ăn tiêu hết bấy nhiêu nên đã không kịp xoay xở khi biến cố ấp đến.
Đồng tình với quan điểm này, bạn đọc Phạm Thị Thu nhận định: "Rất nhiều trường hợp là những người giỏi giang, kiếm ra tiền lúc chưa có dịch nhưng lại để đến hoàn cảnh không còn cả tiền ăn hàng ngày khi dịch ập đến. Đó là do những người này không biết tiết kiệm tiền, dự phòng lúc rủi ro. Nếu họ là người dân lao động nghèo, vốn dĩ thu nhập thấp thì tôi không dám bàn tới, nhưng không ít trong số đó lại có công việc, thu nhập từ ổn định đến cao.
Như bản thân tôi, từ lúc dịch bệnh bùng phát đến giờ, việc làm ăn điêu đứng, kẹt vốn, phá sản, phải cắt giảm hết chi tiêu, rất stress, nhưng may mà còn tiền dự phòng trước đó nên tôi vẫn có thể lấy ra để ăn, để dùng, và cố gắng trụ vững cho đến khi mọi thứ ổn định trở lại. Vậy mà ngẫm lại, tôi thấy mình vẫn còn tiêu hoang lúc chưa dịch, nên không dành dụm được quá nhiều. Tự ngẫm lại, tôi rút ra bài học sâu sắc để sau này biết cân đối lại chi tiêu của bản thân mình tốt hơn".
Lấy dẫn chứng từ trường hợp của bản thân, độc giả Lethang khẳng định: "Tôi năm nay 27 tuổi, mới đi làm được mấy năm, lương tháng hiện mới chỉ có hơn 10 triệu đồng. Tôi còn có vợ và hai đứa con nhỏ. Từ đầu năm 2020 tới giờ, vợ tôi nghỉ đẻ và ở nhà chăm con, rồi dịch đến. Ấy vật mà tới thời điểm này, tôi chưa phải vay mượn ai, chưa phải tiêu quá 10% số tiền tiết kiệm trước đó. Tóm lại, các bạn đi làm thì phải biết tiết kiệm phòng thân, chứ cứ tiêu thoải mái, không lo nghĩ cho ngày mai thì việc rơi vào cảnh túng quẫn là khó tránh. Với những người đã có gia đình thì tốt nhất làm ra 10 cũng chỉ nên tiêu tối đa tám phần mà thôi, hãy cố gắng tiết kiệm lấy hai phần để còn có cái mà phòng lúc ốm đau hay dịch bệnh".
>> Gia đình tôi phải nhịn ăn sáng vì Covid-19
Thực tế, nhiều người chẳng tiết kiệm được không phải vì lương quá thấp mà đơn giản vì họ không hiểu được những khoản tiền "phòng thân" có ý nghĩa ra sao lúc nguy cấp. Theo các chuyên gia tài chính, dù là tuýp người hiện đại, biết hưởng thụ và sống vì hiện tại, bạn vẫn nên có một khoản tiết kiệm nhỏ để phòng thân cho những tình huống khẩn cấp như ốm đau, tai nạn, bệnh tật hoặc gặp phải những rủi ro bất ngờ nào đó. Những người giàu cũng thường tiêu ít, làm nhiều, thế nên đừng nghĩ tiết kiệm là ky bo.
Bạn đọc Lylyly101095 nhận định: "Tôi nghĩ rằng, nếu hai vợ chồng thu nhập trước lúc dịch khoảng 15 triệu một tháng thì đáng ra mỗi tháng cũng phải để dành được tầm 2-3 triệu, chưa kể khoản làm thêm. Đấy là tôi đã tính sinh hoạt thoải mái. Tôi nghĩ ai cũng nên rút kinh nghiệm về vấn đề này. Bản thân tôi, trong đợt dịch đầu tiên năm 2020, cũng đã rất chật vật sống, phải ăn mỳ gói hai tuần liền. Sau lần đó, tôi ý thức tiết kiệm tiền ngay lập tức, không ỷ có thu nhập đều hàng tháng mà chi tiêu thoải mái nữa. Vậy nên mùa dịch này kéo dài, tôi cũng vẫn ổn. Nếu ai cũng biết tiết kiệm từ trước thì thật ra mùa dịch này vẫn có thể vượt qua được để sống tốt".
Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiết kiệm phòng thân, độc giả Vũ Công kết lại: "Theo tôi thấy, nhiều người đã không quản trị tốt tài chính gia đình. Đành rằng nuôi con, sống ở Sài Gòn thì cũng phải chi tiêu nhiều, song nếu biết tiết kiệm thì tôi nghĩ số tiền chi ra không quá 15 triệu một tháng. Với thu nhập trung bình hàng tháng của cả hai vợ chồng ở thành phố vào khoảng 30-40 triệu, tôi nghĩ là dư sống. Vấn đề là nhiều người không để ra một khoản để đầu tư, hay chí ít là tiết kiệm phòng rủi ro nên việc khó khăn mùa dịch là không thể tránh khỏi. Chưa kể, sau giai đoạn này còn tuổi già, bệnh tật nữa thì họ làm sao xoay xở? Đây là bài học rất đắt giá với những ai chưa chuẩn bị khoản dự phòng cho những lúc gặp biến cố".
>> Các ý kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.