Có một câu nói nổi tiếng "Kết quả công việc của bạn được quyết định dựa trên những gì bạn đo lường" (You get what you measure). Khi bạn xây dựng những tiêu chí đánh giá mức độ thành công/hoàn thành của một công việc, bạn sẽ ưu tiên hành động nhằm đạt đến những tiêu chí trên.
Cần thiết thay đổi những tiêu chí đánh giá tình hình dịch
Trong thời gian vừa qua, Chính phủ đã quyết định thay đổi mục tiêu trong chiến lược phòng chống dịch Covid-19, từ loại bỏ hoàn toàn mầm bệnh trong cộng đồng đến sống chung an toàn với dịch.
Đây cũng là thời điểm chúng ta cần đánh giá lại về mức độ quan trọng của chỉ số số lượng ca nhiễm mới hàng ngày. Trước đây, đây là chỉ số quan trọng nhất nhằm đánh giá mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh và tốc độ lây lan.
Ở nhiều địa phương, tỉ lệ tiêm chủng vaccine của người dân đã đạt khá cao, đơn cử như điểm nóng về dịch là TP HCM. Bộ tiêu chí đánh giá tình hình dịch của Bộ Y Tế là một yếu tố quan trọng quyết định liệu một địa phương có thể chấm dứt giãn cách xã hội và mở cửa kinh tế trở lại. Với số ca nhiễm mới hàng ngày vẫn khá cao như hiện nay, TP HCM chưa sẵn sàng để mở cửa xã hội trở lại.
Tuy nhiên, nếu chúng ta cân nhắc các tiêu chí khác như tỷ lệ tiêm chủng vaccine của người dân, số ca bệnh nhân tử vong, mức độ sẵn sàng của hệ thống y tế địa phương để chữa trị người nhiễm Covid-19, thì thành phố đã có thể tiến hành mở cửa xã hội - kinh tế trở lại theo từng giai đoạn.
>> Ma trận 'thẻ xanh Covid-19'
Giảm bớt nỗi sợ
Để sống an toàn với dịch, chúng ta cần làm quen với việc xuất hiện những ca nhiễm mới trong cộng đồng, và xem đó là tình hình chung của thế giới. Loại bỏ hoàn toàn dịch bệnh là điều không thể tại thời điểm hiện tại.
Điều gì là quan trọng đối với chúng ta cần đạt được trong công cuộc phòng chống dịch? Đó là giảm thiểu số ca bệnh nặng và tử vong vì dịch. Và điều đó sẽ đạt được khi toàn bộ người dân được tiêm chủng đầy đủ hoặc ít nhất một mũi vaccine.
Biết được những trường hợp nhiễm mới sẽ giúp người dân an tâm, bảo vệ bản thân và gia đình tốt hơn.
Xét nghiệm hiệu quả, tránh lãng phí
Chúng ta xác định công tác xét nghiệm cộng đồng sẽ giúp giảm bớt tốc độ lây lan của dịch bệnh. Tuy nhiên, cần cân nhắc, về lâu dài, việc xét nghiệm số lượng quá nhiều và quá thường xuyên có khả thi về mặt kinh tế.
Với chi phí xét nghiệm quá lớn như hiện tại, nếu dịch kéo dài đến một, hai năm, ngân sách Nhà nước cho công tác phòng chống dịch sẽ không đủ đáp ứng; và ưu tiên trong việc sử dụng ngân sách nên là mua vaccine.
Doanh nghiệp có thể tự chủ động xét nghiệm cho người lao động của mình và báo cáo với cơ quan phụ trách. Để tránh lãng phí, việc này có thể thực hiện theo tuần hoặc tháng.
>> Nên để doanh nghiệp 'ba tại chỗ' tự chủ xét nghiệm
Ngoài ra, để tiết kiệm, có thể tiến hành lấy mẫu gộp để xét nghiệm. Đối với các doanh nghiệp sản xuất có số lượng lao động đông đến hàng ngàn người, có thể tiến hành lấy mẫu xét nghiệm ngẫu nhiên, vì theo xác suất thống kê thì nếu có ca nhiễm, những người làm chung cũng có khả năng nhiễm bệnh cao.
Người dân, nếu có dấu hiệu nhiễm bệnh, có thể tự mua bộ kit xét nghiệm tại nhà; và nếu dương tính có thể liên hệ trung tâm y tế địa phương để được hướng dẫn tự cách ly, cấp thuốc, và theo dõi bệnh. Bộ Y tế thay vì cử nhân viên y tế đến nhà người dân để hướng dẫn tự xét nghiệm tại nhà như hiện nay, có thể xây dựng các video hướng dẫn trên mạng, vừa tiết kiệm công sức, vừa có độ chính xác cao.
Việc trao quyền chủ động xét nghiệm cho doanh nghiệp và người dân sẽ hiệu quả, tiết kiệm, tránh lây nhiễm chéo, và phản ứng nhanh hơn với dịch bệnh; so với việc tổ chức tập trung xét nghiệm cộng đồng như hiện nay. Đó cũng là hướng đi lâu dài khi dịch bệnh có thể kéo dài nhiều năm.
Nguyễn Minh Tuấn
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.