Mục tiêu hàng đầu hiện nay là giảm tử vong, 5 giải pháp gồm bảo đảm cơ sở điều trị, trang thiết bị và nhân lực, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều trị... được Bộ Y tế đưa ra trong công điện ngày 5/9 gửi UBND các tỉnh thành.
Thứ nhất, bảo đảm thiết lập đủ cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 bằng cách tiếp tục rà soát phương án thiết lập các cơ sở điều trị để sẵn sàng hoạt động trong thời gian nhanh nhất theo mô hình tháp 3 tầng. Ưu tiên thiết lập từ những cơ sở khám chữa bệnh sẵn có để chuyển đổi công năng thành cơ sở điều trị Covid-19 tầng 2, tầng 3.
Nâng cao vai trò của trạm y tế xã, phường, thị trấn; thành lập các trạm y tế lưu động, tổ cộng đồng để quản lý, điều trị người nhiễm tại nhà nếu vượt quá năng lực thu dung, điều trị của các cơ sở địa phương.
Thứ hai, bảo đảm đầy đủ trang thiết bị cấp cứu, hồi sức tích cực, phương tiện phòng hộ cá nhân, thuốc điều trị theo các phương án, đặc biệt chuẩn bị cho tình huống xấu/nghiêm trọng xảy ra.
Cụ thể, tầng 1 tối thiểu có chai oxy khí đáp ứng nhu cầu xử trí cấp cứu cho người bệnh thở oxy qua mặt nạ, thở oxy gọng kính.
Tầng 2 tối thiểu có máy thở oxy dòng cao, máy thở không xâm nhập, chai oxy khí, bình oxy lỏng, đường khí nén, đường hút áp lực, dàn hóa hơi, đáp ứng nhu cầu cấp cứu, hồi sức tích cực cho người bệnh thở oxy dòng cao, thở máy không xâm nhập.
Tầng 3 tối thiểu có máy thở oxy dòng cao, máy thở không xâm nhập và xâm nhập, bồn oxy lỏng, đường khí nén, đường hút áp lực, dàn hóa hơi, bình oxy lỏng và chai oxy khí để đáp ứng nhu cầu cấp cứu, hồi sức tích cực cho người bệnh nặng và nguy kịch.
Các tỉnh, thành được phép chuẩn bị và cung cấp các thuốc ngoài danh mục thuốc thiết yếu đáp ứng nhu cầu điều trị tại địa phương, theo đề xuất của các bệnh viện. Chuẩn bị các gói an sinh, gói thuốc điều trị ngoại trú phát cho người nhiễm tại nhà.
Thứ ba, bảo đảm nhân lực và năng lực chuyên môn theo các tầng. Bộ Y tế đề nghị UBND TP HCM và các tỉnh phía Nam rà soát nguồn nhân lực của địa phương, lập kế hoạch đào tạo, huy động nhân lực phù hợp.
Các bác sĩ, điều dưỡng cần được đào tạo về chuyên môn kỹ thuật để đáp ứng yêu cầu xử trí, cấp cứu, điều trị cho người bệnh tại cơ sở tầng 1, 2, 3 (tối thiểu các kỹ thuật cấp cứu cơ bản, truyền nhiễm, nội khoa cho bác sĩ tại tầng 1, 2 và kỹ thuật hồi sức cấp cứu nâng cao cho các bác sĩ hồi sức tích cực tại tầng 3).
Đồng thời, huy động nguồn nhân lực của các Bộ, ngành, cơ sở tư nhân, tình nguyện viên, sinh viên khối trường đại học sức khỏe, người về hưu... cùng tham gia.
Thứ tư, bảo đảm công tác chuyên môn chăm sóc và điều trị Covid-19. Các cơ sở thu dung, quản lý, điều trị người mắc Covid-19 đánh giá, phân loại nguy cơ người nhiễm, đánh giá mức độ lâm sàng, tiến triển của bệnh để phân luồng, xử trí cấp cứu kịp thời. Hạn chế tối đa trường hợp tử vong tại cơ sở ở tầng 1, 2 hoặc trên đường vận chuyển. Tăng cường kết nối, hội chẩn, tư vấn điều trị từ xa giữa các cơ sở thu dung, quản lý điều trị Covid-19 tại 3 tầng.
Thứ năm, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều trị.
Theo Bộ Y tế, tính đến ngày 6/9, tổng số ca tử vong tại Việt Nam tính đến nay là 13.385 người, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca mắc. Tỷ lệ tử vong trên thế giới là 2,1%.
Theo thống kê sơ bộ, số bệnh nhân nặng đang điều trị là 6.407 ca, trong đó: Thở oxy qua mặt nạ 4.128; Thở oxy dòng cao HFNC 1.196; Thở máy không xâm lấn 142; Thở máy xâm lấn 909; ECMO 32.