Gánh bún bò bình dân là nguồn thu nhập nuôi sống bà Sáu trong xóm trọ nơi tôi đang ở. Trước dịch, bà tương đối sống khoẻ nhờ vào công việc này. Bà cho biết, mấy tiếng đứng trước cổng khu công nghiệp mỗi buổi chiều có thể bán được 50-60 tô mang đi, kiếm được vài trăm nghìn tiền lời. Tích góp mỗi tháng vừa có thể trả tiền trọ, vừa nuôi sống bản thân và dành một ít gửi về quê.
Thế nhưng từ khi nghỉ giãn cách đến nay là bước sang tháng thứ tư, bà cười bảo "nghỉ thêm vài tháng nữa chắc quên cách nấu bún bò". Nhưng từ trong nụ cười đó, tôi nhận thấy sự chua chát và những lo toan chưa có lời giải cho bài toán tương lai: Sau dịch, có làm lại từ đầu được không?
>> Doanh nghiệp lột xác sau dịch
Lúc trẻ bà Sáu làm đủ nghề, gần già bà mới chọn nghề bán bún bò bình dân cho công nhân ở khu công nghiệp. Bà Sáu nói với tôi, mấy tháng nay mỗi tháng chỉ xài đúng 2 triệu đồng, 1,3 triệu tiền trọ, tiền ăn uống 700 nghìn. Nhờ có quà tặng, rau củ, mì gói của mạnh thường quân nên tốn không quá nhiều tiền ăn. Và lý do bà chắt bóp như vậy là giữ vốn để sau dịch còn buôn bán lại.
Cách đó vài căn trọ, là phòng của gia đình chồng bán cá viên chiên các loại, vợ thì đẩy xe bắp luộc, bắp xào đi bán. Cũng rơi vào hoàn cảnh không buôn bán gì mấy tháng nay, anh chị cho hay tiền ăn, tiền sinh hoạt đã âm vào vốn. Nếu sau giãn cách được buôn bán lại, phải mượn vốn hoặc xin vựa bắp cho "mượn đầu heo nấu cháo", bán xong hôm nào sẽ trả hôm ấy.
Còn những người làm nghề tự do khác như bán vé số, với đồng lời mỗi tờ vé số vào khoảng 1.200 đồng mỗi tờ thì chi tiêu phải thật dè xẻn hơn. Những tháng qua họ đang sống với phương châm "tăng xin" và không mua. Bởi giữ được khoản tiền tiết kiệm và đồng vốn từ tiền lời ít ỏi là nhiệm vụ sống còn. Họ đa số là người đã cao tuổi, nếu xảy ra bệnh tật thì lấy gì lo.
>> Những vợ chồng trẻ 'bó mình' trong căn trọ 15m2
Tôi nhận thấy một điểm chung sau những cuộc trò chuyện với họ là sau dịch, việc buôn bán có trở lại như trước? Đầu tiên là lượng công nhân đi làm có còn đông đúc như trước? Tiếp đó là họ vẫn tiêu xài như bình thường hay chuyển sang "phòng thủ tài chính", tiết kiệm tối đa.
Nếu vậy thì những tô bún bò bình dân 15-20 nghìn, những que bò viên, dĩa bắp xào sẽ không nằm trong danh mục thiết yếu cần mua nữa. "Họ sẽ ăn cơm nhà, ăn mì gói", bà Sáu nói với tôi. Còn những người bán vé số thì lo rằng sẽ hiếm người mua hơn, bởi lúc tiền bạc hơn rủng rỉnh xíu thì người ta còn mua cầu may, nhưng bây giờ tiêu 10 nghìn, 20 nghìn cho mấy tờ vé số khiến người ta phải suy nghĩ lại. Trong đó, những người thường mua vé số là dân lao động, xe ôm...
Và quay lại nguồn gốc của vấn đề. Trước thông tin nhiều doanh nghiệp, công ty cho hay họ đã kiệt sức, cạn tiền, tôi nghĩ rằng ngay lúc này cần có kịch bản phục hồi kinh tế và những chính sách hỗ trợ cho họ, song song với các phương án cho người đã tiêm đủ hai mũi vaccine được đi làm lại.
Có thể thấy, trong trận dịch này, hầu như ai cũng chịu ít nhiều ảnh hưởng. Và chuỗi ảnh hưởng này như những quân cờ domino được xếp liền nhau, người này ảnh hưởng người kia, công việc này ảnh hưởng công việc kia. Và công ty, doanh nghiệp còn trụ nổi thì công nhân mới còn việc.
Công nhân còn việc thì mới đi làm có tiền, mới mua bún bò bình dân của bà Sáu, mua cá viên chiên, bắp xào ăn vặt...
Thế Anh
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.