Ngày 22/9, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, trả lời phỏng vấn VnExpress, nêu đề xuất điều chỉnh chiến lược chống Covid-19 tại Việt Nam để phù hợp với tình hình mới.
- Gần hai năm qua Việt Nam kiên trì chiến lược "ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng - dập dịch, điều trị hiệu quả". Ông đánh giá như thế nào về việc thực hiện chiến lược này trong bối cảnh hiện nay?
- Việt Nam đẩy lùi ba đợt dịch bệnh trước đây nhờ vận dụng hiệu quả chiến lược này. Đến nay đây vẫn là nguyên tắc "bất di bất dịch". Tuy nhiên, đợt dịch thứ tư đang diễn ra phức tạp ở nhiều địa phương và có nơi là thảm khốc. Chúng ta cần điều chỉnh linh hoạt để thích ứng với tình hình mới.
Trước đây Việt Nam đặt mục tiêu chống dịch là kiên quyết loại bỏ triệt để F0 khỏi cộng đồng (zero Covid). Mục tiêu này khả thi với các chủng virus cũ, tốc độ lây lan không quá nhanh và dịch bệnh chưa lây nhiễm sâu, rộng trong cộng đồng.
Nhưng hiện nay, chủng virus Delta lây lan nhanh, dịch bệnh lại "ngấm sâu" vào cộng đồng, thì mục tiêu zero Covid rất khó đạt được. Hoặc nếu đạt được, thì chúng ta phải trả giá đắt, đó là thiệt hại về kinh tế, sản xuất kinh doanh, đời sống người dân... Hơn nữa, nguồn lực của đất nước khó đáp ứng được.
Trên thế giới, đã có những nước theo đuổi chiến lược zero Covid, như Australia, nhưng phải từ bỏ. Hầu hết các nước châu Âu, Mỹ đều đã xác định sống chung và thích nghi an toàn với virus. Đây là những bài học tham khảo rất giá trị cho Việt Nam.
- Không theo đuổi mục tiêu zero Covid, vậy chiến lược chống dịch trong giai đoạn tới cần hướng đến mục tiêu nào?
- Chúng ta phải hướng đến mục tiêu là sống chung an toàn, giảm tử vong và dập từng ổ dịch. Về phương diện y tế, điều quan trọng nhất trong chiến lược chống dịch hiện nay là giảm ca bệnh nặng phải nhập viện và số ca tử vong. Chúng ta chấp nhận ở đâu đó có rải rác một vài F0 cộng đồng, nhưng không để bùng phát thành ổ dịch lớn. Để đạt được mục tiêu mới này, phải xác định rõ nhóm dân số dễ bị tổn thương, có nguy cơ chuyển nặng và tử vong là người cao tuổi, người mắc bệnh nền, phụ nữ mang thai...
Song song với phát hiện sớm, chăm sóc điều trị sớm, đúng cách thì công cụ hữu hiệu nhất để giảm tử vong là vaccine. Tuy nhiên, do nguồn cung trên thế giới vẫn khan hiếm, nên Việt Nam chưa thể bao phủ ngay vaccine cho toàn bộ dân số từ 18 tuổi. Trong hoàn cảnh này, phải ưu tiên tiêm chủng cho nhóm người dễ tử vong nêu trên.
Hệ thống giám sát dịch phải được kích hoạt thường xuyên, nâng cao cảnh giác, khi phát hiện có ổ dịch, cần xử lý nhanh gọn, không để bùng phát.
Những mục tiêu này nhằm hướng đến lộ trình thích ứng an toàn với nCoV. Đây là sự thay đổi lớn, dựa trên cơ sở khoa học và xuất phát từ đòi hỏi của thực tiễn dịch bệnh tại Việt Nam và thế giới.
- Ông vừa nêu mục tiêu chung, tuy nhiên, hiện tình hình dịch bệnh ở mỗi tỉnh thành khác nhau, vậy làm sao xây dựng chiến lược phù hợp cho từng địa phương?
- Mỗi một địa phương cần đánh giá cụ thể về dịch bệnh cũng như các điều kiện ứng phó để xác định mục tiêu phù hợp nhất, cân bằng giữa an toàn và đảm bảo phục hồi kinh tế.
Đơn cử, TP HCM và một số tỉnh lân cận, mật độ dân số đông, dịch bệnh đã lây lan rộng trong cộng đồng, có thể vẫn phát sinh nhiều F0, việc đếm số ca nhiễm vẫn có vai trò nhất định, để xác định dịch tễ. Nhưng quan trọng hơn là phải xác định số ca nặng, có nguy cơ tử vong cao, để điều trị kịp thời. Ngành y tế địa phương cần tính toán năng lực của hệ thống điều trị, cơ chế điều phổi để đáp ứng tốt nhất với từng kịch bản chống dịch.
Hà Nội thời gian qua phát hiện rải rác các ca F0 cộng đồng, nhưng là Thủ đô, nên mật độ giao lưu lớn, nguy cơ dịch bệnh vẫn rất cao. Vì vậy, phải tăng cường giám sát, nếu phát sinh ổ dịch mới, cần khẩn trương dập nhanh, gọn.
Các tỉnh, thành khác tự đánh giá mật độ dân số, mức độ giao lưu, nếu dịch được kiểm soát thì có thể xây dựng các mục tiêu khác với đô thị lớn, bao gồm hệ thống giám sát dịch và khả năng ứng phó điều trị tối ưu nhất.
Tôi cho rằng, một trong những vấn đề trước mắt ở các địa phương là xây dựng cơ chế cho người đã tiêm đủ liều vaccine hoặc tiêm một mũi quay lại lao động, sản xuất, kinh doanh, học tập... Bên cạnh xét nghiệm kháng nguyên để xác định nguồn lây, cần nghiên cứu ứng dụng xét nghiệm kháng thể vào đời sống. Người có kháng thể cao, là an toàn, có thể tham gia các hoạt động, dịch vụ. Tần suất xét nghiệm kháng thể có thể là một vài tháng, thay vì như hiện nay, nhiều doanh nghiệp phải xét nghiệm vài ngày một lần, rất tốn kém.
- Ông đề xuất điều chỉnh chiến lược chống dịch như thế nào khi chuyển sang sống chung an toàn với Covid-19?
- Năm nguyên lý chống dịch là "ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng - dập dịch, điều trị hiệu quả", đến nay không thay đổi. Nhưng giải pháp thực hiện cần điều chỉnh.
Về ngăn chặn, vẫn rất cần thiết. Nếu trước đây, Việt Nam ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh bằng nhiều biện pháp mạnh, như dừng chuyến bay thương mại từ các nước; dừng một số đường bay nội địa đến địa bàn có dịch lan rộng. Còn bây giờ, ngăn chặn dịch bệnh là kiểm soát theo mức độ nguy cơ, như cho phép nhập cảnh những người có chứng nhận tiêm đủ liều vaccine hoặc F0 khỏi bệnh. Trong nước, nên duy trì các đường bay an toàn, bằng cách yêu cầu hành khách và nhân viên chuyến bay có chứng nhận đã tiêm vaccine, thực hiện 5K.
Về phát hiện sớm F0, cần phân chia các nhóm nguy cơ để chỉ định xét nghiệm giám sát dịch với quy mô và tần suất khác nhau. Giám sát dịch giúp phát hiện F0 chỉ điểm, từ đó xác định ổ dịch để tập trung dập ngay trong 14 ngày. Việc xét nghiệm phải theo các khu vực trọng điểm và các nhóm nguy cơ như bệnh viện, trường học, nhà máy, nhân viên giao hàng...
Về khoanh vùng - dập dịch, vẫn phải xử lý nhanh nhất các ổ dịch bằng xét nghiệm thần tốc. Tất cả những người sinh sống trong phạm vi nhất định với F0, như thành viên gia đình, được coi là "điểm đỏ", cần xét nghiệm liên tục bằng test nhanh. Nhưng thay vì phong tỏa diện rộng như trước, nay áp dụng biện pháp điều tra dịch tễ để xác định chính xác điểm dịch, không phong tỏa theo địa giới hành chính vì không hiệu quả.
- Chiến lược về cách ly, điều trị cần thay đổi ra sao?
- Về cách ly, trước đây Việt Nam yêu cầu tất cả F1 phải cách ly tập trung; F0 cách ly, điều trị tại bệnh viện. Nay, các địa phương nên tạo điều kiện tối đa để F1 và F0 triệu chứng nhẹ cách ly tại nhà. Tuy nhiên, việc này cần áp dụng phù hợp với đặc điểm dân cư và lưu ý F0 cách ly tại nhà có thể lây cho thành viên gia đình, do vậy cần đảm bảo an toàn cho người già, người có bệnh nền.
Về điều trị, hiện đã có một số loại thuốc chứng minh hiệu quả. Ngành y tế đã xây dựng các gói thuốc điều trị cho F0 tại nhà, áp dụng tại TP HCM. Ngoài ra, F0 có thể tự học các bài tập nâng cao đề kháng, giải tỏa tâm lý. Bên cạnh hướng dẫn chuyên môn, ngành y tế cần có hướng dẫn cân bằng tâm lý cho người bệnh. F0 điều trị tại nhà sẽ giảm tải cho bệnh viện, bởi bệnh viện cũng cần trở lại trạng thái "bình thường mới", vừa chữa trị bệnh nhân Covid-19, vừa điều trị các bệnh khác nữa.
Gần hai năm chống dịch vừa qua, để lại cho chúng ta bài học sâu sắc là nếu chỉ áp dụng biện pháp hành chính duy ý chí, sẽ để lại hệ quả tiêu cực không đáng có. Người dân cần được "trao quyền" nhiều hơn trong các giải pháp chống dịch. Đơn cử, việc lấy mẫu, xét nghiệm có thể để người dân tự thực hiện, thay vì huy động hàng nghìn nhân viên y tế tham gia.
Song song với lộ trình nới lỏng, chúng ta cần chuẩn bị chu đáo hệ thống y tế, nguồn nhân lực, ứng dụng công nghệ thông tin, để đáp ứng với các tình huống dịch bệnh khó lường có thể xảy ra.