Tôi năm nay 27 tuổi, có một vợ, một con. Xuất thân từ miền Tây, lên Sài Gòn học cao đẳng và lập nghiệp tại đây. Hoàn cảnh của gia đình không tốt, ở quê nhưng có rất ít đất sản xuất. Gia đình còn cha mẹ và một đứa em năm nay vào lớp 12.
Sau khi tốt nghiệp cấp ba, tôi từng có ý định nghỉ học để đi làm sớm kiếm tiền phụ giúp gia đình vì nếu học lên nữa, tôi sợ không có khả năng theo đuổi đến cùng. Ngày có kết quả thi đại học, tôi biết mình đậu vào ngành sư phạm đại học và ngành kỹ thuật của một trường cao đẳng. Sau đó là những đêm ngủ chập chờn, phân vân và suy nghĩ rất nhiều về việc nên lựa chọn trường nào.
Nếu học sư phạm, có thể không lo học phí, nhưng thời gian học dài. Một số họ hàng của tôi có người làm giáo viên nói rằng những năm đầu mới ra trường thì lương rất thấp. Tiền lương nhận về chỉ đủ tiền xăng, nếu được sắp về dạy ở trường gần nhà thì may ra không tốn nhiều về tiền trọ, tiền ăn. Điều này làm tôi có thêm động lực để dứt khoát chọn học cao đẳng vì lý do thời gian học ngắn hơn, có thể sớm đi làm kiếm tiền để giúp đỡ gia đình, thế nên tôi quyết định học cao đẳng.
>>Bán nhà sau hai năm để trả dứt nợ vì Covid-19
Sau ra trường, những năm đầu tiên tôi đi làm cho một xưởng cơ khí. Tiền lương đủ lo thân và dành một ít gửi về nhà, số còn lại để dành trả nợ khoản vay tiền đi học. Thời gian này làm việc rất cực vì nặng nhọc, người thì lúc nào cũng bẩn vì dầu, nhớt trong xưởng, tối về phòng trọ tắm rửa xong thì chỉ biết ngủ.
Thế nhưng tôi lại không có tích luỹ được gì nhiều vì hầu như nhận lương tháng nào cũng hết ngay vì mọi khoản chi đều vừa khít. Làm được hai năm, tôi thấy mình đã chọn sai nghề và bắt đầu suy nghĩ vẩn vơ. Rằng nếu ngày xưa chọn sư phạm thì có lẽ đã là một anh thầy giáo, áo quần phẳng phiu sạch sẽ chứ không quần quật trong xưởng nóng nực và người lúc nào cũng nhếch nhác như bây giờ. Rồi tôi lấy vợ, vợ tôi có nghề làm bánh kem và các loại bánh mì ngọt.
Sau khi lấy vợ, tôi quyết định nghỉ hẳn việc trong xưởng cơ khí và ở nhà cùng với vợ mướn một mặt bằng nhỏ để mở cửa tiệm bánh. Vợ làm bánh, tôi phụ trách phụ giúp, chở hàng và giao hàng. Gần chỗ tôi ở có vài toà chung cư nên lượng khách tương đối, người mua người bán quen mặt nhau nên thường xuyên ủng hộ. Tiền lời đủ trả tiền mặt bằng, lo cho cuộc sống và hàng tháng tích luỹ được một ít.
Tháng năm vừa rồi, vợ chồng tôi đón con đầu lòng. Niềm vui chưa kịp đến thì lại rơi vào cảnh ăn không nằm rồi hơn ba tháng tháng nay. Hầu như không buôn bán được gì nhiều nhưng tiền mặt bằng, tiền thuê nhà trọ, tiền tã sữa, tiền sinh con, tiền ăn uống sinh hoạt, tiền gửi về quê... đã ngốn hết số tiền tiết kiệm ít ỏi dành dụm trong hai năm vừa rồi.
>> Cơn đau đầu của người mua nhà trả góp mùa Covid-19
Nhiều lúc bất lực nhìn số tiền tiết kiệm vơi đi dần, bây giờ trong túi chỉ còn vỏn vẹn bốn triệu đồng và đang hỏi vay mượn bạn bè, người quen để cầm cự. Một số bạn bè cũng rơi vào hoàn cảnh giống như tôi nhưng họ vẫn sẵn lòng cho mượn chút ít. Ai cũng nói với nhau là hy vọng dịch mau được dập để còn bắt tay làm lại từ đầu.
Có thể một số bạn sẽ nói tôi liều, đã vậy còn đèo bồng vợ, con làm gì cho thêm khổ... nhưng tôi nghĩ mỗi người có một hoàn cảnh khác nhau nên không thể so sánh được. Chẳng lẽ nghèo thì không được theo đuổi hạnh phúc? Vợ chồng tôi cũng chí thú làm ăn lương thiện chứ đâu phải những người xấu xa, chẳng qua vì lý do dịch bệnh nên mới túng thiếu như thế này.
Một số người hỏi tôi có buồn và lo lắng không. Đương nhiên là rất buồn và lo cho tương lai sắp tới rồi. Nhưng từ những điều mà mình trải qua, từ lúc chọn học đại học hay cao đẳng, làm việc trong xưởng, rồi lấy vợ và nghỉ việc, làm tiệm bánh, tôi nghĩ quan trọng là tin vào lựa chọn của bản thân. Ngồi lo nghĩ nhiều cũng chẳng thay đổi được tình hình mà làm đầu óc càng thêm không thoải mái.
Phong
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.