Đã tiêm đủ hai mũi vaccine Covid-19, tôi tự tin mình sẽ được ra đường đi làm lại một khi thành phố áp dụng thẻ xanh, thẻ vàng. Nhưng chẳng bao lâu, sự tự tin đó được thay thế bằng sự lúng túng vì trên ứng dụng Sổ sức khoẻ điện tử chỉ hiển thị mũi tiêm lần 2 vào giữa tháng 8. Còn mũi tiêm đầu tiên vào cuối tháng sáu lại "biệt tích".
Tôi lần mò tìm kiếm thông tin để bổ sung mũi 1 và được hướng dẫn điền thông tin cá nhân, số CMND, số điện thoại và ảnh chụp giấy xác nhận đã tiêm thông qua một đường link Google Form. "Trời đất, lại làm thủ công như thế này thì biết bao giờ mới được cập nhật thông tin đầy đủ", tôi nghĩ thầm trong bụng nhưng vẫn điền đầy đủ. Từ lúc đó đến nay đã qua hơn hai tuần nhưng kết quả trên ứng dụng Sổ sức khoẻ điện tử vẫn không thay đổi.
>> 'Cuộc sống thời Covid-19 không thể thiếu shipper'
Tôi nhớ lại vào đợt tiêm mũi 1, ở Nhà thi đấu Phú Thọ, lúc đó có hàng nghìn người tập trung cùng lúc. Tất cả đều khai báo bằng giấy tay, sau khi tiêm sẽ nộp lại và tôi còn nhìn thấy hàng chục bạn trẻ làm tình nguyện đang nhập lại thông tin người được tiêm vào máy tính. Có lẽ vì thế nên mình mới bị sót. Không riêng tôi, nhiều bạn bè của tôi cũng than chỉ mới được thẻ vàng trên ứng dụng dù đã được tiêm đầy đủ hai mũi vaccine. Điểm giống nhau của chúng tôi là mũi hai tiêm ở bệnh viện, ít người hơn nên có lẽ thông tin được cập nhật nhanh và chính xác hơn.
Đọc nhiều bình luận về việc sổ sức khoẻ điện tử bị lỗi, tôi thấy rất nhiều người khổ, giận dữ và bất lực vì các lỗi: không đăng nhập được, mất thông tin đã điền, hôm nay hiển thị đủ hai mũi tiêm nhưng qua ngày chỉ còn một, lỗi không giao tiếp được với hệ thống máy chủ... anh bạn làm IT của tôi nói rằng chưa bao giờ thấy một ứng dụng nào có nhiều bug (lỗi) như vậy. Vậy nên một số người bày tỏ băn khoăn về năng lực, trình độ của ngành IT Việt khi những ứng dụng này liên tục gặp lỗi.
>> Ma trận 'thẻ xanh Covid-19'
Những năm trước, chúng ta luôn bàn, luôn nói về công nghệ 4.0. Ngay từ đầu đợt dịch từ năm 2020 cũng đã xác định công nghệ là yếu tố không thể thiếu trong công cuộc chống dịch. Bằng chứng là ngay lúc đó, những ứng dụng chống dịch đã liên tục ra đời, như ứng dụng truy vết tiếp xúc như Bluezone. Rồi từ lúc đó đến giờ, hàng chục app khác cũng kịp ra đời. Kho ứng dụng phong phú này như một dàn đồng ca, nhưng hoà âm hoà tấu chẳng theo một nhịp nào. Ngành nào cũng tranh thủ tạo một ứng dụng riêng, cả địa phương cũng tranh thủ làm. Và vấn đề ở đây chính là thiếu vắng một nhạc trưởng để chỉ huy và thống nhất để người dân đỡ rối rắm.
>> Hai biện pháp để tận dụng shipper mùa dịch
Có thể thông cảm cho việc làm ứng dụng trong mùa dịch là rất tình thế, có thể gặp lỗi. Các nhà làm ứng dụng chuyên nghiệp cũng gặp lỗi, nhưng họ phát hiện và liên tục tung các bản vá lỗi. Trong khi đó, chúng ta nói nhiều đến công nghệ nhưng hầu như chưa ứng dụng được gì nhiều. Một ví dụ đơn giản là tại sao không code thêm một module để người dùng gửi thông tin khiếu nại trực tiếp trên app, mà phải điền vào một link Google Form, rồi nhân viên tiếp nhận lại rà roát, chỉnh sửa một cách thủ công, trong khi lượng người cần chỉnh sửa lên đến hàng vạn?
Mỗi năm, sinh viên ngành IT ra trường cũng rất nhiều. Nhiều bạn cũng đạt được giải thưởng quốc tế, và kiếm rất nhiều tiền từ việc làm app, game cho smartphone. Như vậy, nguồn nhân lực không thiếu và không phải không có khả năng làm ra các ứng dụng tốt hơn, nhưng tại sao chúng ta vẫn loay hoay với các app chống dịch có nhiều lỗi?
Quang Dương
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.