Trả lời:
Huyết áp được tạo bởi rất nhiều yếu tố, trong đó có sức bóp của cơ tim và sức căng của thành mạch. Huyết áp có 2 con số gồm: số trên (huyết áp tâm thu), số dưới (huyết áp tâm trương). Bị tăng huyết áp khi huyết áp của bạn đo nhiều lần, thường xuyên mà huyết áp tâm thu (số trên) từ 140 mmHg trở lên và huyết áp tâm trương (số dưới) từ 90 mmHg trở lên. Thường nhiều lần đo như vậy là bị tăng huyết áp.
Huyết áp cao sẽ khiến cho quả tim làm việc nhiều hơn, áp lực lên thành mạch nhiều hơn và dần lâu như vậy sẽ làm cho quả tim làm việc nhiều, dẫn đến suy tim. Thành mạch căng sẽ bị tổn thương, gây xơ vữa, dần nhiều năm gây tổn thương, dẫn đến các biến chứng của bệnh.
Vì vậy, chúng ta cần điều trị tăng huyết áp. Tức là dùng các biện pháp bằng thuốc và không thuốc để hạ huyết áp về mức bình thường (mức huyết áp đích). Đích tức là đưa huyết áp tâm thu xuống dưới 140 mmHg và tâm trương là dưới 90 mmHg. Đây là huyết áp đo ở cơ sở y tế. Còn nếu ở nhà thì huyết áp luôn thấp hơn lúc đo ở cơ sở y tế. Khi đó huyết áp tâm thu ở nhà là 135 mmHg và huyết áp tâm trương là 85 mmHg đã gọi là tăng huyết áp rồi. Vậy thì ở nhà, huyết áp đo thường xuyên phải 130 mmHg (số trên) và 80 mmHg (số dưới) là đạt được đích điều chỉnh.
Trường hợp của bạn, nếu làm đêm nhiều, cuộc sống căng thẳng thì chỉ số huyết áp mà bạn đưa ra là không đạt đích. Vậy, bạn phải theo dõi thường xuyên hơn. Nếu không thay đổi được lịch làm việc, vẫn cứ phải làm đêm nhiều, có thể phải uống thuốc vào buổi tối trước khi đi làm đêm để xem huyết áp tốt hơn không. Nếu đổi cách mà huyết áp không tốt thì phải thêm một viên thuốc nữa để hạ con số huyết áp về đích như tôi nói ở trên.
Thầy thuốc nhân dân. PGS. TS. BS Nguyễn Thị Bạch Yến
Trưởng khoa Tim mạch, BVĐK Tâm Anh Hà Nội