Tình trạng dinh dưỡng trước mổ có ảnh hưởng trực tiếp đến tiên lượng sau mổ, tỷ lệ sống chung và thời gian sống riêng của từng bệnh nhân ung thư dạ dày. Chế độ dinh dưỡng hỗ trợ trước phẫu thuật giúp kích thích miễn dịch, làm giảm các biến chứng tổng thể và giảm thời gian nằm viện.
Chế độ hỗ trợ dinh dưỡng sớm sau phẫu thuật nhằm duy trì chức năng của hàng rào niêm mạc ruột và giảm tỷ lệ nhiễm trùng đường ruột, giúp bệnh nhân nhanh hồi phục. Ở bệnh nhân suy dinh dưỡng do ung thư dạ dày giai đoạn nặng, chế độ dinh dưỡng bổ sung ngắn hạn tại nhà giúp cải thiện chất lượng sống cho người bệnh.
Dinh dưỡng trước phẫu thuật
Hướng dẫn S3 của Đức khuyến nghị, hỗ trợ dinh dưỡng cho tất cả bệnh nhân ung thư dạ dày có chế độ ăn uống không đủ, tức lượng thức ăn qua đường miệng dưới 500 kcal một ngày, nhỏ hơn hoặc bằng 75% nhu cầu trong hơn 1-2 tuần.
Người bệnh có thể bổ sung dinh dưỡng qua ống thông mũi - dạ dày hoặc thông mũi - tá tràng trong thời gian ngắn. Bác sĩ cũng có thể thông qua phẫu thuật mở hỗng tràng để cung cấp dinh dưỡng cho người bệnh.
ThS.BS Nguyễn Thành Trung, khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết, bổ sung dinh dưỡng miễn dịch trước phẫu thuật cũng được khuyến nghị cho bệnh nhân ung thư dạ dày. Dinh dưỡng miễn dịch là các chất dinh dưỡng kích thích miễn dịch (arginine, axit béo Omega-3 và nucleotide) bằng đường uống hoặc đường ruột. Các nghiên cứu chỉ ra, dinh dưỡng miễn dịch trước phẫu thuật làm giảm đáng kể các biến chứng tổng thể và thời gian nằm viện nhưng không gây tử vong.
Theo hướng dẫn ESPEN, S3 của Đức cho bệnh nhân ung thư dạ dày và Hội nghị thượng đỉnh dinh dưỡng phẫu thuật Bắc Mỹ, bổ sung dinh dưỡng qua đường miệng hoặc đường ruột cho bệnh nhân ung thư đường tiêu hóa trên 5-7 ngày trước khi phẫu thuật. Người bệnh tiếp tục bổ sung dinh dưỡng miễn dịch cho đến khi qua giai đoạn hậu phẫu.
Nạp carbohydrate vào đêm trước khi phẫu thuật làm giảm sự đề kháng insulin, giúp kiểm soát đường huyết sau phẫu thuật và duy trì chức năng bình thường của ruột.
Dinh dưỡng sau phẫu thuật
Bệnh nhân phẫu thuật đường tiêu hóa trên thường được cung cấp một ống thông hỗng tràng qua da để bổ sung dinh dưỡng sau phẫu thuật. Thời gian được khuyến nghị là 6 giờ sau khi phẫu thuật. Ống này cũng có thể sử dụng sau khi xuất viện tùy theo nhu cầu của bệnh nhân.
"Dinh dưỡng đường uống sớm sau phẫu thuật ung thư dạ dày cũng an toàn và không làm tăng tỷ lệ biến chứng so với dinh dưỡng qua ống thông mũi - dạ dày", bác sĩ Trung nói.
Bác sĩ Trung cho biết thêm, sau khi cắt dạ dày, người bệnh sẽ gặp tình trạng thiếu máu, vitamin B12 hoặc folate. Chế độ dinh dưỡng giai đoạn này tập trung cải thiện thiếu máu do thiếu sắt và thiếu vitamin B12. Việc bổ sung vitamin B12 có thể được tiến hành qua đường tiêm dưới da và đường uống.
Dinh dưỡng nâng cao khi ung thư dạ dày nặng
Ở bệnh nhân ung thư dạ dày bị hẹp môn vị, việc đặt stent có thể truyền dinh dưỡng qua đường miệng, cải thiện chất lượng sống. Hiệp hội Dinh dưỡng Lâm sàng và Chuyển hóa châu Âu khuyến nghị, áp dụng dinh dưỡng tĩnh mạch khi dự kiến lượng thức ăn không đủ dưới 60% năng lượng ước tính trong hơn 10 ngày.
Đối với bệnh nhân hóa trị gặp phải các tác dụng phụ trên đường tiêu hóa liên quan đến hóa trị (chán ăn, buồn nôn, nôn, táo bón và tiêu chảy), bác sĩ có thể bổ sung dinh dưỡng đường tĩnh mạch để ổn định cân nặng và tiếp tục điều trị. Đối với những bệnh nhân bị suy giảm nghiêm trọng chức năng tiêu hóa hoặc mắc hội chứng ruột ngắn do phẫu thuật rộng gần như phải cung cấp dinh dưỡng hoàn toàn qua tĩnh mạch.
Theo ThS.BS Lê Thị Hải - Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, bệnh nhân ung thư đường tiêu hóa như ung thư dạ dày cần thời gian để tập ăn trở lại sau phẫu thuật. Khoảng 2-3 ngày đầu, người bệnh có thể được nuôi dưỡng qua đường tĩnh mạch đảm bảo đủ năng lượng và chất dinh dưỡng để vết mổ có thời gian lành lại. Khi bác sĩ xác định đường tiêu hóa đã ổn định, người bệnh có thể ăn theo chế độ mềm, lỏng, dễ tiêu hóa trong một thời gian. Sau đó, cơ thể cần bổ sung năng lượng cao hơn bình thường để bình phục nhanh sau phẫu thuật.
Bác sĩ dinh dưỡng phối hợp cùng bác sĩ ung bướu thiết lập chế độ dinh dưỡng phù hợp tùy theo thể trạng, giai đoạn bệnh, phương pháp điều trị (phẫu thuật, hóa trị, xạ trị), quá trình hấp thụ chất dinh dưỡng hay tiêu hao năng lượng của người bệnh.
Bác sĩ Trung cho biết, tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, trong mỗi giai đoạn điều trị, bác sĩ khoa Ung bướu phối hợp cùng bác sĩ khoa Dinh dưỡng xây dựng chế độ ăn cá thể hóa cho từng bệnh nhân. Điều này giúp nâng cao thể trạng và chất lượng sống cho người bệnh.
Nguyên Phương