Bác sĩ Trần Vương Thảo Nghi, Trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM cho biết, ung thư dạ dày có thể xảy ra ở nhiều lứa tuổi, song phổ biến nhất là từ 50 tuổi trở lên. Tuy nhiên hiện nay, ung thư dạ dày có xu hướng ngày càng trẻ hóa, nam giới có tỷ lệ mắc cao hơn nữ.
Ung thư dạ dày xảy ra khi có sự phát triển bất thường của các tế bào trong dạ dày. Sự thay đổi hoặc phát triển bất thường xuất phát từ vài tế bào và có thể dần tiến triển tạo nên tổn thương ung thư dạng chồi sùi hay dạng loét. Quá trình này có thể ít nhất là vài tháng hoặc vài năm. Trong giai đoạn đầu hình thành khối u, nếu không tầm soát sớm sẽ không thể phát hiện bệnh. Bệnh có thể ảnh hưởng đến bất kỳ bộ phận nào của dạ dày, nhưng phổ biến nhất là phần chính của dạ dày (thân dạ dày) và nơi giao nhau của dạ dày - thực quản.
Bác sĩ Thảo Nghi chia sẻ thêm, bệnh gây tỷ lệ tử vong cao nhưng khó chẩn đoán vì thường không có các triệu chứng ở giai đoạn sớm. Dựa vào mức độ tổn thương, ung thư dạ dày được chia thành 5 giai đoạn.
- Giai đoạn 0: Các tế bào ung thư mới xuất hiện ở lớp niêm mạc dạ dày còn gọi là ung thư biểu mô.
- Giai đoạn 1: Các tế bào ung thư đã gây tổn thương ở lớp thứ hai của dạ dày.
- Giai đoạn 2: Các tế bào ung thư đã xâm lấn qua lớp niêm mạc dạ dày, còn được gọi là ung thư dưới cơ.
- Giai đoạn 3: Các tế bào ung thư đã phát triển vào hạch bạch huyết và các cơ quan khác trong cơ thể.
- Giai đoạn 4: Các tế bào ung thư đã di căn khắp cơ thể, gây nguy cơ tử vong cao.
Dấu hiệu nhận biết
Khi có tổn thương ác tính hình thành ở dạ dày, tùy thuộc vào từng giai đoạn của bệnh và vị trí của tổn thương mà người bệnh có thể có các dấu hiệu khác nhau. Tuy nhiên các dấu hiệu này thường khá mơ hồ, không đặc hiệu cho ung thư dạ dày (bởi vì các dấu hiệu này cũng có thể xuất hiện trong các bệnh lý lành tính khác của dạ dày).
Dấu hiệu có thể gặp ở giai đoạn đầu thường được chia thành hai nhóm chính:
- Rối loạn tiêu hóa: khó nuốt; ợ hơi, ợ chua, ợ nóng; cảm giác buồn nôn, nôn.
- Cảm giác đau: đau âm ỉ không theo chu kỳ; đau khi đói; đau vùng dưới xương ức khi ăn no.
Dấu hiệu có thể gặp trong ung thư dạ dày giai đoạn tiến triển được chia thành các nhóm:
- Rối loạn tiêu hóa: buồn nôn và ói mửa; ợ chua thường xuyên; đầy hơi liên tục; ăn ít cũng thấy no; chán ăn.
- Cảm giác đau: hay bị đau dữ dội sau khi ăn hoặc đau âm ỉ không theo chu kỳ; đau khi đói; đau vùng dưới xương ức khi ăn no.
- Chảy máu ở tổn thương ung thư của dạ dày: thiếu máu; phân lẫn máu hoặc phân màu đen; da vàng.
- Rối loạn dinh dưỡng do kém/không hấp thu: sụt cân đột ngột, không rõ lý do; hoa mắt, chóng mặt; mệt mỏi đến mức giảm khả năng lao động.
"Do tính chất không đặc hiệu và khá mơ hồ nên các triệu chứng này rất dễ bị nhầm lẫn với bệnh viêm loét dạ dày, vì vậy người bệnh thường chủ quan không tầm soát sớm. Đây cũng là lý do ung thư dạ dày thường được phát hiện muộn, khi đã ở giai đoạn tiến triển, di căn", bác sĩ Thảo Nghi chia sẻ.
Các yếu tố nguy cơ
Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư dạ dày như:
- Nhiễm trùng do vi khuẩn H. pylori (một bệnh nhiễm trùng dạ dày phổ biến đôi khi có thể dẫn đến loét).
- Polyp dạ dày (sự phát triển bất thường của mô hình thành trên niêm mạc dạ dày).
- Bệnh viêm loét dạ dày tái đi tái lại hoặc có tiền căn phẫu thuật các bệnh lý lành tính ở dạ dày.
- Người từ 50 tuổi trở lên.
- Đàn ông có nguy cơ mắc ung thư dạ dày cao hơn phụ nữ.
- Hút thuốc lá, uống rượu bia.
- Chế độ ăn có nhiều thực phẩm có chứa chất bảo quản, ăn nhiều thức ăn nướng hoặc xông khói/ ngâm muối, ăn ít rau củ quả như đồ ăn lên men, thực phẩm đóng hộp, thịt hun khói.
- Béo phì.
- Tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư dạ dày và/hoặc các hội chứng rối loạn về đường tiêu hóa khác.
- Người gốc Á, Nam Mỹ hoặc Belarus: có thể có liên quan đến thói quen ăn uống.
Chẩn đoán, điều trị
Theo bác sĩ Thảo Nghi, ở giai đoạn đầu, bệnh thường rất khó phát hiện vì có các triệu chứng giống như viêm dạ dày. Do đó, người bệnh cần đến bệnh viện để bác sĩ thăm khám và áp dụng các biện pháp chẩn đoán như nội soi dạ dày, sinh thiết dạ dày, xét nghiệm máu, kiểm tra hình ảnh.
Bác sĩ Trần Vương Thảo Nghi cho biết, nếu phát hiện muộn khi các tế bào ung thư dạ dày đã di căn vào các cơ quan khác trong cơ thể thì cơ hội sống của người bệnh rất thấp. Ngược lại, nếu được phát hiện sớm từ giai đoạn khởi phát thì cơ hội được chữa khỏi bệnh tới 90%. Do đó, những người có yếu tố nguy cơ nên chủ động đến cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám, hỏi bệnh sử và đánh giá các yếu tố nguy cơ, từ đó có thể giúp chủ động tầm soát ung thư dạ dày. Việc phát hiện bệnh sớm và điều trị ngay từ giai đoạn đầu giúp tăng hiệu quả điều trị và hạn chế tái phát bệnh.
Sau khi chẩn đoán xác định bệnh và giai đoạn bệnh, bác sĩ có thể đưa ra các phương pháp điều trị cho người bệnh như:
Phẫu thuật: Bác sĩ có thể cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ dạ dày bị tổn thương kèm các hạch lympho xung quanh, tùy vào giai đoạn bệnh. Người bệnh có thể được bác sĩ chỉ định phẫu thuật bằng phương pháp mổ mở, phẫu thuật nội soi hoặc phẫu thuật robot.
Xạ trị: có thể được áp dụng hỗ trợ sau khi phẫu thuật nhằm làm giảm khả năng tái phát tại chỗ. Xạ trị cũng có thể được chỉ định trong một số trường hợp bệnh di căn đến xương, hạch... nhằm giảm nhẹ triệu chứng.
Hóa trị (điều trị hóa chất): là phương pháp dùng thuốc qua đường truyền tĩnh mạch và/hoặc đường uống để điều trị ung thư. Hóa trị có thể được dùng trước và/hoặc sau phẫu thuật; có thể phối hợp với xạ trị. Phác đồ điều trị hóa chất tùy thuộc vào giai đoạn bệnh ung thư và thể trạng của mỗi bệnh nhân.
Liệu pháp nhắm trúng đích: thường được áp dụng cho giai đoạn bệnh tiến triển tại chỗ - tại vùng bệnh tái phát hoặc di căn xa, khi phương pháp phẫu thuật hay xạ trị đơn lẻ không thể tiêu diệt triệt để các tế bào ung thư. Lúc này, người bệnh sẽ được bác sĩ cho dùng thuốc điều trị trúng đích (có thể kết hợp với hóa trị) để hạn chế sự tăng trưởng và xâm lấn rộng của các khối u ác tính.
Chăm sóc và điều trị giảm nhẹ: khi người bệnh được tiên lượng không thể chữa khỏi ung thư dạ dày, bác sĩ có thể chỉ định phương pháp chăm sóc và điều trị giảm nhẹ. Đây là phương pháp chăm sóc y khoa kết hợp với điều dưỡng nhằm giảm bớt các triệu chứng đau đớn về thể xác cũng như tâm lý cho người bệnh.
Phòng ngừa
Ung thư dạ dày ngày càng phổ biến và trẻ hóa, việc điều trị lại tốn kém và khó khăn, nên chủ động phòng ngừa bằng các cách như:
- Duy trì chế độ sinh hoạt, luyện tập, nghỉ ngơi khoa học.
- Duy trì chế độ dinh dưỡng lành mạnh với các thực phẩm giàu vitamin và chất xơ.
- Hạn chế ăn các thực phẩm giàu nitric và amin thứ cấp như dưa muối, cà muối, đồ ăn lên men, thịt hun khói, đồ nướng. Bởi vì khi đi vào dạ dày, các chất này sẽ kết hợp thành độc tố gây nguy cơ ung thư.
- Không hút thuốc lá, uống rượu, bia hoặc sử dụng chất kích thích.
- Hạn chế đồ ăn công nghiệp và nước ngọt đóng chai.
- Chủ động tầm soát ung thư dạ dày đối với các trường hợp có yếu tố nguy cơ.
"Mặc dù độ tuổi thường gặp ung thư dạ dày là từ 50 tuổi trở lên, nhưng những năm gần đây, căn bệnh này đang có xu hướng trẻ hóa và phổ biến cả ở những người dưới 40 tuổi. Tuy nhiên, nếu được phát hiện sớm từ giai đoạn khởi phát thì cơ hội điều trị thành công cao, tỷ lệ sống trên 5 năm đến 90%. Do đó, người dân nên nâng cao ý thức phòng ngừa và chủ động tầm soát ung thư dạ dày từ sớm để tránh những rủi ro do căn bệnh này gây ra", bác sĩ Thảo Nghi nói thêm.
Quỳnh Phương