Theo Hiệp hội Ung thư Mỹ, đối với người ung thư thận, ăn thực phẩm bổ dưỡng và lành mạnh có thể tăng hiệu quả điều trị và duy trì sức khỏe tốt hơn. Một số phương pháp điều trị cũng gây ra tác dụng phụ như buồn nôn và nôn, tiêu chảy, táo bón, mệt mỏi... Do đó, lựa chọn chế độ ăn uống phù hợp có thể giúp người bệnh tránh các triệu chứng này.
Trái cây và rau củ: Viêm nhiễm có liên quan đến nhiều bệnh mạn tính, gồm ung thư thận. Nhiều loại trái cây và rau củ có đặc tính chống viêm có thể chống lại sự viêm nhiễm trong cơ thể, hỗ trợ điều trị ung thư. Theo nghiên cứu của Trung tâm Y tế Đại học Schleswig-Holstein (Đức), trái cây và rau giàu chất xơ có tác dụng bảo vệ chống ung thư thận và sự tái phát của bệnh.
Ngũ cốc nguyên hạt: Thực phẩm này có nhiều chất xơ, chất chống oxy hóa từ vitamin E, khoáng chất selen và các chất hóa học thực vật có thể làm giảm nguy cơ ung thư. Ngũ cốc nguyên hạt có lợi cho người bệnh này như lúa mì nguyên hạt, bột yến mạch, bột ngô (bắp), gạo lứt...
Thực phẩm nhiều calo: Thức ăn giàu calo giúp cung cấp năng lượng cho người bệnh để có thể chống lại ung thư. Thực phẩm có hàm lượng calo cao thường được khuyến khích cho bệnh như bơ đậu phộng, sữa nguyên chất, trứng và thịt nạc...
Lượng protein phù hợp: Chức năng thận có thể giảm do điều trị ung thư, nhất là với người phẫu thuật cắt bỏ một quả thận. Chế độ ăn giàu protein với nhiều thịt, sữa và các loại hạt có thể khiến thận phải làm việc nhiều hơn để loại bỏ urê, chất thải được tạo ra khi cơ thể phân hủy protein. Do đó, dù cần calo nhưng người bệnh nên ăn với lượng protein vừa phải, giảm lượng protein trong chế độ ăn uống nếu chức năng thận suy giảm. Người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ về lượng protein phù hợp.
Điều trị ung thư thận có thể làm người bệnh mất cảm giác thèm ăn, chán ăn. Để đảm bảo nhận được dinh dưỡng cần thiết, người bệnh nên ăn 5-6 bữa nhỏ trong ngày thay vì ba bữa lớn. Chuẩn bị đồ ăn nhẹ, tiện dụng khi cảm thấy đói và nên ăn nhiều vào sáng sớm. Bổ sung thêm sinh tố giữa các bữa ăn để tăng dưỡng chất.
Trong quá trình điều trị ung thư thận, bệnh nhân có thể buồn nôn và nôn. Chọn thức ăn nhạt như bánh mì trắng, sữa chua nguyên chất, nước canh...; tránh thức ăn cay, chua, quá nóng hoặc quá lạnh để giảm các triệu chứng này. Uống nước giữa các bữa ăn và uống từng ngụm nhỏ giúp giảm buồn nôn. Uống đủ nước trong ngày giúp giảm nôn và tiêu chảy, tránh mất nước. Điều trị ung thư thận cũng có thể lấy đi năng lượng khiến bạn mệt mỏi và suy nhược, nên dự trữ các loại thực phẩm dễ chế biến như súp, sữa, đồ ăn nhẹ khác để cung cấp năng lượng khi cần.
Theo Hiệp hội Ung thư Mỹ, bệnh nhân ung thư thận được điều trị bằng thuốc nhắm mục tiêu và liệu pháp miễn dịch thường bị viêm, loét miệng, kích ứng thực quản và các bộ phận khác của đường tiêu hóa. Nếu bạn gặp khó khăn khi ăn uống, hãy chọn thức ăn giàu dinh dưỡng, mềm, ẩm, dễ nhai. Tránh thức ăn có tính axit, rượu và thức ăn cay. Thực hành vệ sinh răng miệng bằng bàn chải đánh răng mềm. Có thể dùng thuốc giảm đau hoặc nước súc miệng giảm đau trước bữa ăn.
Hai phương pháp điều trị này cũng làm tăng nguy cơ huyết áp cao và tăng mức cholesterol xấu (LDL), yếu tố dẫn đến khả năng mắc bệnh tim mạch và đột quỵ. Người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ về chế độ ăn uống để giảm các nguy cơ này mà vẫn cung cấp lượng calo và chất dinh dưỡng cần thiết.
Một số phương pháp điều trị ung thư như xạ trị làm tăng nguy cơ nhiễm trùng. Bản thân ung thư cũng tàn phá hệ thống miễn dịch khiến bệnh nhân dễ bị nhiễm trùng. Do đó, người bệnh cần chú ý an toàn vệ sinh thực phẩm nhiều hơn, không ăn đồ sống, rửa kỹ trái cây và rau củ, rửa tay trước khi ăn và chế biến thực phẩm, để riêng thực phẩm sống và chín để tránh lây nhiễm chéo, nấu chín kỹ thức ăn...
Mai Cat (Theo Everyday Health)