Hạ đường huyết xảy ra khi lượng đường trong máu lúc đói thấp. Người không bị tiểu đường vẫn có nguy cơ bị hạ đường huyết. Hạ đường huyết không do tiểu đường xảy ra trong vòng vài giờ sau khi ăn hoặc trong lúc đói, cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo một bệnh lý nghiêm trọng khác.
Hạ đường huyết khi lượng đường trong máu giảm xuống dưới 70mg/dL. Người bị hạ đường huyết thường xuất hiện các triệu chứng bồn chồn, lo lắng, chóng mặt, mờ mắt, đau đầu, đói hoặc thèm đồ ngọt, thay đổi tâm trạng, tim đập nhanh, tê hoặc lạnh ở tay, chân, run rẩy, yếu đuối. Những triệu chứng này xảy ra do cơ thể không nhận đủ glucose để cung cấp cho não hoạt động bình thường.
Khi hạ đường huyết không phải do phản ứng với thuốc, bạn có thể kiểm soát các triệu chứng bằng cách thay đổi chế độ ăn. Bất cứ thực phẩm nào cũng có tác động đến lượng đường trong máu, chỉ khác nhau ở chỗ tác động ít hay nhiều. Một số loại thực phẩm làm tăng lượng đường trong máu khá nhanh, nhưng một số khác lại ít tác động đến lượng đường trong máu.
Dưới đây mà một số điều chỉnh để có chế độ ăn phù hợp và khoa học giúp kiểm soát lượng đường trong máu.
Lên lịch các bữa ăn và đồ ăn nhẹ
Lên kế hoạch cho các bữa ăn chính và đồ ăn nhẹ đảm bảo được rằng cơ thể tiếp nhận đa dạng các loại thực phẩm để cân bằng lượng đường trong máu. Điều này đặc biệt quan trọng với người bị hạ đường huyết không mắc bệnh tiểu đường. Quản lý lượng đường trong máu có thể ngăn ngừa các triệu chứng của tiểu đường. Những người thường xuyên bị hạ đường huyết nên chọn các bữa ăn nhỏ và nhẹ trong ngày, các bữa ăn cách nhau 3-4 giờ.
Cách chọn và phối hợp thực phẩm
Không có thực phẩm "tốt" và "xấu" nhưng có lựa chọn chưa phù hợp khi bị hạ đường huyết không tiểu đường. Để ngăn ngừa hoặc kiểm soát chứng hạ đường huyết, người bị hạ đường huyết có thể thực hiện một số mẹo ăn uống như: chia lượng carbohydrate cân đối trong suốt cả ngày, cố gắng ăn 2-4 phần carbs mỗi bữa và 1-2 phần vào bữa ăn nhẹ. Một khẩu phần là 15 gam carbohydrate. Chọn ngũ cốc nguyên hạt, thực phẩm giàu chất xơ và trái cây nguyên trái thay vì trái cây đã qua chế biến.
Ăn từ nhiều nhóm thực phẩm khác nhau trong bữa ăn chính và bữa phụ, ví dụ như ăn táo với bơ đậu phộng, sandwich gà tây với rau diếp hoặc cà chua, đậu phụ với cơm, rau cũng được khuyến khích với người bị hạ đường huyết. Các bữa ăn đảm bảo đầy đủ protein nạc để có năng lượng lâu dài hơn, chẳng hạn như cá, pho mát ít béo và trứng. Bổ sung chất béo lành mạnh với một lượng nhỏ, chẳng hạn như quả hạch, hạt, bơ và dầu ôliu.
Kết hợp đồ ngọt và trái cây với các loại thực phẩm khác. Nếu uống rượu nên uống trong bữa ăn. Một số thực phẩm như socola, kem, bánh quy giòn và bánh mì có chất béo, đạm làm chậm phản ứng của đường huyết sẽ không có tác dụng trong trường hợp muốn tăng lượng đường trong máu nhanh chóng.
Quế là một loại gia vị phổ biến trong gia đình đã được sử dụng trong y học cổ truyền Trung Quốc trong nhiều thế kỷ. Nghiên cứu đã phát hiện ra rằng quế làm giảm mức đường huyết lúc đói và báo hiệu sự giải phóng insulin.
Các thực phẩm cần tránh
Thực phẩm làm tăng nhanh chóng lượng đường trong máu, báo hiệu lượng insulin tăng đột biến và dẫn đến giảm lượng đường trong máu không được khuyến khích với người bị hạ đường huyết. Các loại thực phẩm khác cần tránh bao gồm:
Thực phẩm chứa nhiều đường và đường cô đặc như bánh ngọt, bánh trái cây và đồ ăn vặt đông lạnh như kem, kem sherbet và sữa chua đông lạnh, chúng làm giảm lượng đường trong máu..
Caffeine: các loại thực phẩm như cà phê, ca cao, soda và trà đen có caffeine gây giải phóng hormone adrenaline, có thể làm tăng lượng đường trong máu.
Đồ uống có cồn: rượu được biết là nguyên nhân gây ra lượng đường trong máu thấp, đặc biệt là khi bụng đói.
Hiệp hội Đái tháo đường Mỹ khuyến nghị, để khắc phục tình trạng hạ đường huyết thực hiện theo quy tắc 15-15. Theo đó, bạn nên ăn hoặc uống ngay 15 gram carbohydrate để tăng lượng đường trong máu. Kiểm tra lượng đường trong máu của bạn sau 15 phút. Ăn thêm 15 gram carbohydrate nếu lượng đường trong máu của bạn vẫn dưới 70 mg/dL. Lặp lại các bước này cho đến khi lượng đường trong máu của bạn ít nhất là 70 mg/dL. Ăn một bữa ăn chính hoặc bữa ăn nhẹ để đảm bảo lượng đường trong máu không giảm lại khi trở về mức bình thường.
Anh Chi
(Theo VeryWellHealth)