Rau xanh, các sản phẩm từ sữa, ngũ cốc nguyên hạt và một số thực phẩm khác có thể để lại các phần không tiêu hóa được (chất cặn bã) trong ruột. Chế độ ăn ít dư lượng (hạn chế chất xơ) cho phép hệ tiêu hóa (nhất là ruột già) được nghỉ ngơi, giảm lượng phân mà cơ thể tạo ra, tăng cơ hội hấp thu chất dinh dưỡng.
Những thức ăn thừa này thường không gây ra vấn đề với ruột. Tuy nhiên, khi ruột cần phải hoạt động chậm lại (ví dụ rối loạn tiêu hóa, viêm túi thừa, các biến chứng liên quan đến ruột...), điều chỉnh chế độ ăn uống là giải pháp chính. Một người trưởng thành cần khoảng 2.000 calo, trong đó có ít nhất 25 g chất xơ mỗi ngày. Theo chế độ ăn ít dư lượng, bạn chỉ cần ăn 10-15 g chất xơ mỗi ngày.
Một đánh giá năm 2017 công bố trên tạp chí Nutrients cho thấy, hạn chế thực phẩm có chất xơ và những thực phẩm để lại cặn bã có thể giảm các triệu chứng bệnh viêm ruột. Loại bỏ chất thải từ ruột kết cần thiết trước khi phẫu thuật ruột. Tuân thủ chế độ ăn ít chất xơ trong tối đa một tuần trước khi nội soi giúp việc chuẩn bị dễ dàng hơn. Đối với những người không bị rối loạn ruột, nghiên cứu của Bỉ năm 2015 đã chỉ ra rằng chế độ ăn ít chất dư lượng có lợi cho nội soi đại tràng.
Bạn cần tuân theo chế độ ăn ít chất xơ này bao lâu tùy thuộc vào lý do nhưng không nên trong thời gian dài. Dưới đây là một loại thức phẩm nên và không nên lựa chọn để hạn chế chất xơ và tránh làm tăng gánh nặng cho ruột đang gặp vấn đề.
Trái cây: Các loại trái cây như đào, bí đỏ, mơ và chuối đều có thể dùng. Bạn nên hạn chế trái cây có hạt như quả mọng, trái cây khô, nhất là nho khô, sung, chà là và mận khô. Hầu hết nước ép trái cây phù hợp với chế độ ăn ít dư lượng nhưng nước ép mận khô giàu chất xơ nên tránh.
Rau củ: Bạn nên chọn loại đã gọt vỏ, nấu chín kỹ hoặc đóng hộp như cà rốt, củ cải đường, đậu xanh. Rau sống thường quá khó tiêu hóa, nhất là các loại dai như cần tây. Các loại rau lá xanh như rau diếp, dưa cải muối cũng không được khuyến khích.
Ngũ cốc: Ăn bánh mì và mì ống được làm từ carbohydrate tinh chế; chọn gạo trắng thay vì gạo lứt, gạo hoang dã. Đồ ăn nhẹ giàu chất xơ mà bạn cần tránh như bỏng ngô.
Sữa: Hạn chế các sản phẩm sữa, không uống quá hai cốc mỗi ngày. Các lựa chọn từ sữa có hàm lượng lactose thấp như phô mai tươi có thể được dùng. Sữa chua có thể là một phần trong khẩu phần sữa hàng ngày nhưng bạn chọn loại có hương vị đơn giản. Chất béo như bơ thực vật có thể dung nạp được.
Chất đạm: Trứng cần luộc chín, thịt nạc nấu cho đến khi mềm, tránh chiên thịt hoặc thêm nhiều gia vị. Đậu phụ là nguồn protein có ích cho các bữa ăn, tuy nhiên, bạn cần tránh đậu và các loại đậu như đậu Hà Lan, đậu lăng.
Đồ uống: Uống nhiều nước, đồ uống có ga như seltzer có thể uống mặc dù chúng có thể làm tăng các triệu chứng đầy hơi. Caffeine từ cà phê, trà và soda làm trầm trọng thêm tình trạng. Bạn có thể chọn một tách cà phê hoặc trà đã loại bỏ caffein, không có kem hoặc sữa. Đồ uống có cồn bao gồm rượu, bia và cocktail nên loại khỏi chế độ ăn uống.
Món tráng miệng: Bánh ngọt và bánh quy làm bằng bột mì trắng tinh luyện và đường thường rất dễ tiêu hóa. Đồ ngọt có chứa chocolate, dừa, quả hạch, hạt hoặc trái cây khô nên tránh. Thạch, mứt và mật ong có thể dung nạp được vì chúng không chứa hạt hoặc rỗ.
Các loại nên chọn | Các loại nên hạn chế |
Bánh mì trắng | Ngũ cốc nguyên hạt (yến mạch, lúa mạch đen, lúa mạch) |
Táo | Quả hạch, hạt giống, cây họ đậu |
Chuối | Tỏi |
Trái cây và rau đóng hộp hoặc nấu chín | Bông cải xanh |
Bơ thực vật | Ngô |
Khoai tây trắng | Hoa quả sấy khô |
Trứng | Rượu bia |
Nước dùng | Chocolate |
Đậu hũ | Dưa bắp cải |
Gạo trắng | Dưa muối |
Kem bơ đậu phộng | Quả mọng |
Thịt, gia cầm, cá nấu chín kỹ | Bắp rang bơ |
Kim Uyên
(Theo Verywell Health)