Các nghiên cứu chỉ ra phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh thận mạn tính cao gấp 5 lần so với nam giới. Bệnh ở phụ nữ dẫn đến một loạt các vấn đề sức khỏe đặc biệt như sau.
Kinh nguyệt thất thường
Nếu chức năng thận giảm xuống dưới 20% so với mức bình thường thì mức độ tích tụ chất thải cao hơn trong cơ thể sẽ cản trở quá trình rụng trứng. Điều này ảnh hưởng đến kinh nguyệt và gây khó khăn cho việc thụ thai. Bệnh thận mạn tính có thể gây chảy máu quá nhiều hay chu kỳ không đều, hoặc cả hai. Khi người bệnh bắt đầu lọc máu, vấn đề kinh nguyệt không đều trở nên tồi tệ hơn và có thể ngừng hoàn toàn. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể bị mãn kinh sớm hơn bình thường từ 3 đến 5 năm.
Vấn đề sinh sản
Bệnh thận mạn tính cản trở sự rụng trứng, ảnh hưởng đến cơ hội mang thai của phụ nữ. Tình trạng này cũng có thể dẫn đến một số biến chứng trong thai kỳ như: nguy cơ tiền sản giật, hạn chế sự phát triển của thai nhi và sinh non. Ngoài ra, căng thẳng khi mang thai dễ dẫn đến suy giảm đáng kể chức năng của thận và làm trầm trọng thêm các tình trạng sức khỏe sẵn có như thiếu máu, thiếu vitamin D và tăng huyết áp.
Sức khỏe tâm thần
Mắc bệnh thận mạn tính cũng ảnh hưởng đến tâm lý của người bệnh. Khoảng 25% phụ nữ bị bệnh thận mạn tính có khả năng bị trầm cảm.
Bên cạnh những hậu quả nêu trên, bệnh còn có thể khiến phụ nữ có nguy cơ mắc thêm bệnh tim mạch, xương khớp như loãng xương. Bởi khi thận suy yếu, không thể sản xuất các kích thích tố như vitamin D rất quan trọng cho sức mạnh của xương. Bệnh thận mạn tính còn làm giảm ham muốn và gây ra các vấn đề liên quan đến sức khỏe tình dục.
Không có cách chữa khỏi hoàn toàn bệnh thận mạn tính. Do đó, việc điều trị các rối loạn, kiểm soát triệu chứng, làm giảm các biến chứng và làm chậm sự tiến triển của bệnh thông qua thuốc là rất cần thiết. Ngoài ra, việc lựa chọn các loại thực phẩm hoặc chế độ ăn uống hàng ngày đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát bệnh.
Hạn chế lượng muối: Người bệnh nên tránh hoàn toàn các sản phẩm có thêm muối như khoai tây chiên, đồ ăn mặn, thực phẩm đóng hộp, đồ đông lạnh, thịt và pho mát chế biến, các loại thức ăn nhanh khác.
Thực phẩm ít kali: Người bệnh nên tránh thực phẩm có hàm lượng kali cao như: chuối, cam, cà chua, khoai tây và rau cải bó xôi. Nên dùng các thực phẩm có hàm lượng kali thấp như: táo, quả mọng (việt quất, mâm xôi, nam việt quất), dâu tây, nho, bắp cải, rau xanh đậu, cà rốt và tỏi. Ngoài ra, hầu hết chất thay thế muối đều chứa kali, vì vậy, người bị bệnh thận mạn tính cũng nên tránh.
Hạn chế protein: Người bệnh không thể tránh hoàn toàn protein nhưng điều quan trọng là phải hạn chế ăn thực phẩm giàu protein như đậu, thịt nạc, sữa, trứng và pho mát. Thay vào đó, nên ăn thực phẩm ít protein như: trái cây tươi, rau, ngũ cốc và bánh mỳ.
Hạn chế phốt pho: Thận khỏe mạnh chịu trách nhiệm duy trì lượng phốt pho thích hợp trong cơ thể nhưng nếu dư thừa có thể khiến xương yếu đi. Vì vậy, người bệnh nên hạn chế các loại thực phẩm giàu phốt pho như: bánh mỳ nguyên hạt, ngũ cốc nguyên cám, các loại hạt, hạt hướng dương... Trong khi các loại thực phẩm chứa ít phốt pho như ngũ cốc ngô hoặc gạo, bỏng ngô không ướp muối, nước chanh... được khuyến nghị dùng.
Hạn chế lượng chất lỏng: Dù nước rất cần thiết cho sự sống và một người khỏe mạnh nên cung cấp nhiều nước cho cơ thể (khoảng 2-2,5 lít nước mỗi ngày), nhưng trong trường hợp mắc bệnh thận mạn tính, cơ thể cần ít chất lỏng hơn. Điều này là do thận bị bệnh không thể loại bỏ chất lỏng dư thừa. Vì vậy, không nên dùng quá nhiều chất lỏng hoặc thực phẩm giàu nước như súp, kem, gelatin...
Khi một người mắc bệnh thận mạn tính, cơ quan này không thể thực hiện đúng chức năng, dẫn đến tích tụ chất thải và chất lỏng trong cơ thể, gây ra các vấn đề về tim, xương... Nhưng khi người bệnh thực hiện chế độ ăn uống thân thiện với thận, hạn chế hấp thụ một số khoáng chất và chất lỏng nhất định, có thể tránh được sự tích tụ chất thải và chất lỏng, đồng thời giảm gây tổn hại thêm cho thận.
Như Ý (Theo Lalpathlabs, Mayo Clinic)