ThS.BS Ngô Hữu Phương, khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết tần suất nhiễm bệnh đau mắt đỏ trong cộng đồng cao gấp 3-4 lần so với năm ngoái. Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh ghi nhận số bệnh nhi khám mắt tại đây tăng gấp đôi so với tháng trước. Trong đó, 70% khám đau mắt đỏ. Cứ 10 trẻ đến khám có một trẻ biến chứng nặng như giả mạc, trợt giác mạc (trầy xước giác mạc). Nhiều sai lầm khi chăm sóc mắt khiến bệnh trở nặng. Chăm sóc trẻ đau mắt đỏ đúng cách giúp mắt mau chóng khỏi bệnh.
Không tự ý dùng thuốc
Bác sĩ Phương lưu ý bệnh nhi đau mắt đỏ cần được bác sĩ khám để dùng thuốc theo hướng dẫn, tự ý dùng thuốc có thể làm bệnh trầm trọng hơn. Như trường hợp bé Hà (3 tuổi, Hà Nội) nhập viện sau một tuần tự điều trị tại nhà nhưng không bớt. Bé bị lây đau mắt đỏ khi đi học. Mẹ cho con sử dụng đơn thuốc của bạn cùng lớp dẫn đến sưng nề nhiều, cộm xốn, không mở được mắt, nhìn không rõ.
Bác sĩ Phương cho biết thêm nhiều trường hợp cả gia đình bị đau mắt đỏ biến chứng viêm kết mạc do tự ý xông mắt bằng lá trầu không vò nát ngâm cùng nước sôi. Người bệnh rửa mắt bằng nước cốt chanh hòa với nước lọc, dùng miếng bông gòn thấm sữa mẹ rồi đắp lên mắt... Đây là những cách chữa trị sai lầm.
Nhỏ nước cốt chanh (hoặc cam, bưởi) có nhiều axit, khi vào mắt có thể gây viêm, bỏng giác mạc, ảnh hưởng thị lực. Xông mắt bằng lá trầu hoặc sữa mẹ có thể nhiễm trùng mắt. Nhiều trường hợp đến bệnh viện đã xuất hiện biến chứng khiến điều trị kéo dài, ảnh hưởng trực tiếp đến thị lực.

Trẻ dụi tay lên mắt có thể khiến đau mắt đỏ trở nặng. Ảnh: Freepik
Bác sĩ Phương khuyến cáo các gia đình dùng thuốc và nhỏ thuốc cho bé đúng cách. Không dùng lại các loại thuốc từng sử dụng, tránh làm tình trạng nhiễm trùng nặng hơn. Nhỏ thuốc đúng bằng cách giữ nguyên đầu trẻ, kéo nhẹ mi dưới xuống nhỏ vào góc trong của mắt, giữ nguyên tư thế đó trong 5-10 giây. Trường hợp trẻ nhỏ quấy khóc, phụ huynh có thể nhỏ thuốc khi con ngủ.
Nếu có nhiều thuốc, các loại được sử dụng cách nhau ít nhất 3-5 phút, dùng loại thuốc mỡ hoặc gel tra mắt cuối cùng. Cha mẹ mua thêm bông miếng hoặc gạc vô khuẩn để sử dụng một lần sau mỗi lần tra thuốc, cần rửa tay trước và sau khi chăm sóc mắt cho bé. Nên vệ sinh mắt mỗi ngày bằng nước muối sinh lý, dùng khăn ẩm lau sạch ghèn, rỉ mắt.
Viêm kết mạc cấp xảy ra khi phản ứng viêm mạnh, mi sẽ sưng nề nhiều và xuất tiết viêm trên bề mặt kết mạc tạo thành giả mạc (một màng trắng bám vào kết mạc). Giả mạc làm phản ứng viêm nặng hơn và ngăn thuốc không thấm vào kết mạc được.
Bệnh nhi xuất hiện giả mạc cần được bác sĩ bóc giả mạc, có thể tái phát lại nên phải bóc nhiều lần cho đến khi hết hẳn. Do đó, cha mẹ cần tuân thủ đúng khuyến cáo của bác sĩ về điều trị và đưa trẻ đến khám đúng theo hẹn hoặc khám lại ngay khi có diễn biến bất thường.
Chú ý dinh dưỡng
Đối với trẻ còn bú sữa mẹ, phụ huynh nên cho con bú càng nhiều càng tốt. Bởi sữa mẹ chứa nhiều kháng thể bảo vệ trẻ. Trong giai đoạn này, mẹ cũng cần chú ý ăn uống đầy đủ để nâng cao sức đề kháng của bản thân.
Trẻ lớn hơn ăn đầy đủ dinh dưỡng, rau củ, trái cây giúp tăng cường hệ miễn dịch chống lại bệnh tật. Thực phẩm bổ sung vitamin A, B12, C, D cho trẻ đau mắt đỏ như cải xanh, rau bina. Ngoài ra, thực phẩm chứa beta-carotene như bí đỏ, đu đủ... cũng rất tốt. Trẻ cần được nghỉ ngơi, cách ly và sử dụng thuốc theo đơn của bác sĩ.
Dự phòng lây nhiễm
Đường lây đau mắt đỏ chủ yếu qua tiếp xúc trực tiếp với người bệnh, qua hô hấp (giọt bắt) hoặc vật bị phơi nhiễm với nước mắt người mắc bệnh. Tăng cường vệ sinh tay, sát khuẩn tay bằng cồn và vệ sinh bề mặt môi trường, các vùng thường phải cầm nắm như tay nắm cửa, điều khiển tivi, đồ chơi của trẻ rất quan trọng. Vệ sinh, sát khuẩn tay trước và ngay sau khi chạm tay lên mắt; hạn chế đưa tay lên mắt, miệng.
Không sử dụng chung khăn mặt, khăn tắm của trẻ đau mắt đỏ với những người xung quanh. Nên thường xuyên giặt gối, phơi khô ngoài nắng, thay gối hoặc khăn trải nệm cho trẻ. Hạn chế cho bé đến nơi đông người đề phòng ngừa lây nhiễm hoặc tiếp xúc với ánh mặt trời, không khí ô nhiễm.
Lục Bảo
Độc giả đặt câu hỏi bệnh trẻ em tại đây để bác sĩ giải đáp |